Biệt thự, liền kề khu vực Hà Nội đua giảm giá
Trong khi phân khúc biệt thự, liền kề tiếp tục xuống dốc, giá chào bán giảm 2-6%... Nguồn cung mở bán khắp nơi, Hà Đông, Hoài Đức, Cầu Giấy… nên buộc biệt thự nội đô phải giảm giá để cạnh tranh.
Xu hướng giảm giá biệt thự, liền kề chậm lại
Thị trường biệt thự, liền kề vẫn tiếp tục trầm lắng. Giá chào bình quân của toàn thị trường biệt thự giảm 3% so với quý trước, riêng nhà liền kề, tỷ lệ giảm khoảng 2%... là những thông tin được Savills nhận định về tình hình thị trường nhà đất quý đầu năm.
Đáng chú ý mức giảm lớn nhất đối với biệt thự là quận Tây Hồ với gần 6%, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng. Đối với phân khúc nhà liền kề, khu vực Hà Đông và Hoài Đức có mức giảm khoảng 4% so với quý trước.
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Ngô Hương Giang, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội: Dù phân khúc biệt thự và liền kề luôn trong tình trạng giảm giá suốt từ năm 2011 đến nay, nhưng xu hướng giảm giá này đang có chiều hướng chậm lại.
Hiên, quận Cầu Giấy tiếp tục có giá chào trung bình cao nhất đạt mức 133 triệu đồng/m2 cho cả biệt thự và nhà liền kề. Theo sau là khu vực Từ Liêm và Tây Hồ với mức giá khoảng 91-104 triệu đồng/ m2.
Tại sao quận Tây Hồ lại có mức giảm giá mạnh nhất?
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Bộ phận định giá và tư vấn tài chính Savills Hà Nội cho hay: Khu vực Tây Hồ, Hai Bà Trưng… là những khu vực đầu tiên tập trung chủ yếu nguồn cung về biệt thự, liền kề.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung đã được mở rộng ra các khu vực khác như Hà Đông, Hoài Đức, Cầu Giấy… nên buộc biệt thự nội đô phải giảm giá để cạnh tranh.
Chung cư cùng biệt thự, liền kề Hà Nội vẫn trên đà giảm giá.
Thêm nữa, theo ông Sơn, khu vực Tây Hồ thường tập trung một số đối tượng khách châu Âu, còn hiện nay đối tượng khách Hàn Quốc lại đang có xu hướng dịch chuyển ra phía Tây thành phố. Do vậy, càng tăng áp lực giảm giá đối với biệt thự ở khu vực Tây Hồ.
Theo Savills, quý tới, nguồn cung thị trường biệt thự, liền kề có 86 dự án với tổng diện tích khoảng 11.500 ha nằm rải rác tại 15 quận huyện. Trong đó, gần 60 dự án vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Số còn lại đã xong hạ tầng tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Quốc Oai, Hà Đông.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi nới lỏng điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài được sở hữu bất động sản ở Việt Nam. Savills nhận định, nếu đề xuất này được thông qua, nhu cầu biệt thự, liền kề có thể sẽ tăng lên.
Giá có tăng có giảm, 71 dự án vẫn đang mở bán
Theo số liệu từ Savills, tổng nguồn cung căn hộ để bán trong 3 tháng đầu năm tại thị trường Hà Nội đạt 95.400 căn từ 157 dự án đã bán hết và 71 dự án vẫn đang mở bán.
Theo bà Giang, trên thị trường Hà Nội hiện nay, phân khúc căn hộ vừa có xu hướng tăng giá lẫn giảm giá. Việc tăng giá xuất hiện tại những dự án có vị trí đẹp, thanh khoản tốt. Còn những dự án đang có số hàng tồn kho lớn thì giá vẫn giảm.
Theo đó, tại thị trường sơ cấp, tổng lượng căn hộ bán được giảm 6% so với quý trước, giá bán trung bình ở mức 24,5 triệu đồng/m2. Trong đó giá căn hộ từ bình dân đến cao cấp đều giảm từ 3 đến 7%.
Còn trên thị trường thứ cấp, mức giảm giá mạnh nhất diễn ra ở quận Long Biên tới 7% và Hà Đông là 6%. Trong khi đó, mức giá ở các quận Ba Đình, Từ Liêm, Thanh Xuân, Gia Lâm không thay đổi so với quý trước đó.
Dù mức giá phân khúc căn hộ vẫn giảm nhưng lượng cung tăng và giao dịch có sự chuyển động đáng kể. Điều này theo Savills, phân khúc căn hộ đang có dấu hiệu ấm dần lên. Đặc biệt, nhờ các chính sách mới như việc nới lỏng điều kiện cho vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng kèm theo lãi suất cho vay giảm còn 5% trong năm nay.
Theo dự báo của Savills, từ quý 2 trở đi, dự kiến Hà Nội có 83 dự án mới với hơn 65.400 căn hộ. Tính chung cả 3 quý còn lại của năm, thị trường sẽ đón nhận gần 5.000 căn hộ từ 10 dự án.