Biến tướng kinh doanh vàng

NHNN đang xem xét cấp phép lại hoạt động kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Với quy định chặt chẽ của Nghị định này, số lượng doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ rất ít. Tuy nhiên, trong khi chưa có danh sách cụ thể những doanh nghiệp được cấp phép, đã manh nha những biến tướng từ việc cấp phép này.

Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng quy định muốn hoạt động kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm kinh doanh vàng, nộp thuế kinh doanh vàng 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhiều nhận định chỉ số ít doanh nghiệp lớn và NHTM được cấp phép. Nắm bắt thông tin trên, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ đang âm thầm liên kết với các công ty, NHTM được cấp phép kinh doanh vàng miếng để làm đại lý ủy nhiệm chi, thậm chí núp bóng các đơn vị đạt chuẩn để hoạt động giao dịch chui.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thời gian qua thị trường ngoại tệ chợ đen dù bị siết mạnh nhưng vẫn tồn tại. Vì vậy sẽ có hiện tượng doanh nghiệp mua bán vàng miếng chui sau khi Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 có hiệu lực từ ngày 10-7.

Không loại trừ hiện tượng này còn sôi động hơn cả kinh doanh ngoại tệ chợ đen vì nhu cầu nắm giữ vàng của người dân rất lớn, nhất là vùng nông thôn nơi các doanh nghiệp và NH chưa có mạng lưới. Khi đó, các tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ là “chân rết” cho doanh nghiệp và NHTM.

Trao đổi phóng viên, ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC, cho biết trong Nghị định 24 và Thông tư 16 đều không có quy định việc thành lập đại lý ủy nhiệm để kinh doanh vàng miếng và cũng chưa biết tới đây NHNN có cho phép hay không, nhưng thực tế đang tồn tại tình trạng này.

Theo đó, các công ty tư nhân, NH có giấy phép kinh doanh vàng miếng sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp khác, tương tự như khoán chỉ tiêu cho một cửa hàng trực thuộc và thu phí. Đây là cách lách có thể làm được nhưng số lượng đại lý ủy nhiệm chi nếu có cũng không thể bù đắp, thay thế được 10.000 tiệm vàng nhỏ lẻ đang hoạt động trên cả nước.

Trả lời về việc SJC có mở rộng hình thức đại lý ủy nhiệm chi ông Chính cho rằng SJC chủ yếu thông qua các cửa hàng tư nhân để bán vàng miếng bởi mạng lưới bán lẻ của SJC chưa thể phủ khắp toàn quốc. Nếu tình trạng mạng lưới đại lý ủy nhiệm chỉ diễn ra phổ biến sẽ vô tình khôi phục lại mạng lưới bán lẻ cho SJC. Vì vậy, SJC không nhất thiết phải mở rộng đại lý ủy nhiệm bán vàng miếng.

Biến tướng kinh doanh vàng - 1

Nhiều nhận định chỉ số ít doanh nghiệp lớn và NHTM được cấp phép kinh doanh vàng miếng (ảnh minh họa).

Chờ động thái NHNN

Đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc lợi hay hại khi xuất hiện đại lý ủy nhiệm chi mua bán vàng miếng. Có quan điểm cho rằng nếu thu hẹp lại các cửa hàng vàng nhỏ lẻ người dân sẽ khó khăn trong việc mua bán vàng miếng, nhất là những vùng nông thôn xa trung tâm đô thị.

Vì vậy, NHNN mở rộng hình thức này nhưng cần có hành lang pháp lý cũng như điều kiện để mở đại lý ủy nhiệm chi nhằm giám sát chặt chẽ, giúp thị trường vàng không xảy ra tình trạng chợ đen như thị trường ngoại tệ.

Khi đó Nhà nước có thể quản lý tránh thất thoát về thu thuế. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng khi có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp lớn và các cửa hàng nhỏ lẻ, người dân sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Nếu trước đây, các cửa hàng có thể tự hoạt động, điều chỉnh theo giá thị trường thì nay khi hoạt động núp bóng doanh nghiệp và chịu phí, họ sẽ phải tăng giá bán cao hơn để bù đắp chi phí.

Vì vậy, NHNN nên cấm không cho hình thức này phát triển gây nhiễu loạn giá vàng trong nước, nhất là khi giá vàng thế giới biến động.

Một vấn đề khác liên quan đến việc quản lý thị trường vàng là việc chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng SJC, cũng như vàng SJC bị cong vênh không đủ tiêu chuẩn.

NHNN đã có văn bản gửi UBND TPHCM xác nhận chủ trương chọn SJC là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng cho SJC, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo nào về việc xử lý vàng móp méo hay chuyển đổi. UBND cũng đã có văn bản đề nghị NHNN cần sớm có hướng xử lý nhanh chóng vàng móp méo.

“Hiện tại SJC đang thu mua vàng bị cong vênh không đủ tiêu chuẩn với mức phí 50.000 đồng. Để tránh tình trạng các đơn vị khác thu phí quá cao, có khi lên đến 500.000, 1 triệu đồng, gây thiệt hại uy tín cho thương hiệu vàng SJC, tôi đã chỉ đạo các chi nhánh của SJC trên cả nước công khai trên mạng lẫn niêm yết tại cửa hàng về việc mua vàng miếng không đủ tiêu chuẩn đúng giá” - ông Đỗ Công Chính nói.

Một nguồn tin cho biết NHNN cũng đang soạn thảo Đề án chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC trên tinh thần không làm xáo trộn thị trường, không gây thiệt hại đến người dân.

Theo đó, cách thức chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC có thể tương tự như đổi tiền, không giới hạn thời gian chuyển đổi. Một số NHTM sẽ đứng ra làm trung gian thu đổi vàng, NHNN sẽ từng bước thu hồi vàng phi SJC để thay thế bằng vàng SJC.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là NHNN cần sớm có chủ trương chuyển đổi với chi phí hợp lý để khuyến khích người dân tự nguyện thực hiện.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Như ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN