Bí quyết nào giúp mẹ bỉm sữa này kiếm được cả nghìn tỷ chỉ trong 3 năm?
Năm 2014, Susan Tynan quyết tâm nghỉ việc, sản xuất khung trang trí để kinh doanh trực tuyến. Theo thống kê, trong 3 năm, cô đã thu về 58 triệu USD (~1.308 tỷ đồng) lợi nhuận.
Susan Tynan là người sáng lập, giám đốc điều hành của Framebridge. Đây là một công ty hoạt động theo mô hình kinh doanh trực tuyến, chuyên cung cấp khung trang trí, được thành lập vào năm 2014. Theo Pitchbook, chỉ trong vòng 3 năm, Susan đã thu về 58 triệu USD tiền lợi nhuận.
Susan là một tấm gương khởi nghiệp đầy nghị lực
Để có được thành công như hiện tại, Susan đã trải qua không ít khó khăn. Tuy nhiên, cô không cho phép mình bỏ cuộc, bởi gánh nặng tài chính trong gia đình, đặc biệt là khi hai con còn quá nhỏ vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí, khiến cô có thêm động lực làm giàu.
Năm 2006, Susan tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard. Sau đó, cô vào làm việc cho Steve Case, trong dự án Revolution Health, chuyên nghiên cứu các vấn đề về sức khỏe. Công ty này nổi tiếng khắc nghiệt, môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao và thường xuyên sa thải nhân viên. Susan Tynan không phải là một ngoại lệ.
Làm việc tại Nhà trắng
Năm 2009, Tổng thống Obama trúng cử và bước chân vào Nhà trắng. Đây cũng là thời điểm Susan nhận quyết định sa thải. Vì lòng ngưỡng mộ với Tổng thống Obama, cô quyết tâm sẽ ứng tuyển vào Nhà Trắng, mặc dù bản thân chưa từng có kinh nghiệm làm việc với chính phủ.
Để có được công việc này, cô đã gửi hồ sơ đến hơn 10.000 người khác nhau, từ những nhân viên đang làm việc tại Nhà trắng, cho đến người thân, bạn bè của họ. Bằng cách này, Susan đã được nhiều người giới thiệu với nhà tuyển dụng, được hẹn phỏng vấn và trở thành nhân viên Nhà Trắng.
Cô ngưỡng mộ Tổng thống Obama và quyết tâm trở thành nhân viên Nhà Trắng
Công việc của cô chủ yếu liên quan đến quản lý giấy tờ, chính sách, nghiên cứu các biện pháp áp dụng công nghệ để cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng. Susan đã phấn đấu hết mình. Thậm chí, trong những buổi tụ họp với gia đình, cô phải trốn vào nhà vệ sinh để hoàn thành công việc.
Sau 2 năm làm việc tại Nhà Trắng, Susan bỏ việc, tham gia LivingSocial và giúp họ phát triển các dòng sản phẩm mới. Ngay từ những ngày đầu tiếp nhận công việc, cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập tức tìm ra sản phẩm độc đáo để tung ra thị trường.
Từ đây, Susan đúc kết kinh nghiệm: “Khi khởi nghiệp, hãy chú trọng đến tốc độ. Đôi khi, bạn phải làm cả những việc mình không thích để đạt được mục tiêu”.
Khi làm việc cho LivingSocial, Susan từng đi khảo sát một số khung ảnh lưu niệm độc đáo và thực sự bị sốc với giá thành của chúng. Cô nảy ra ý tưởng kinh doanh và bắt đầu tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng.
Những thách thức tiềm ẩn
Với tất cả nguồn vốn đã huy động được, Tynan từng bước xây dựng Framebridge, nhưng ngay sau đó, cô đã nếm trái đắng từ chính thành công của mình.
Susan và các sản phẩm của Framebridge
Vào năm 2015, chiến dịch quảng cáo ‘Ngày của cha’ do Framebridge thực hiện đã thành công rực rỡ, khiến doanh nghiệp này tiếp cận nhiều khách hàng và nhận những hợp đồng ‘siêu khủng’.
Nhưng Susan đã không lường trước được vấn đề thiếu hụt nhân sự, khiến các đơn hàng tồn đọng, khách hàng không hài lòng khi phải chờ hàng tuần liền mới có thể nhận được sản phẩm. Tất cả những điều đó đã khiến danh tiếng và sự nghiệp của cô có nguy cơ sụp đổ.
Nhận thức được điều này, Susan đã lập tức viết thư xin lỗi gửi đến từng khách hàng. Cô huy động tất cả nhân viên làm tăng ca và liên tục tuyển dụng thêm nhân sự. Susan cũng thuê một quản lý giàu kinh nghiệm để điều hành quá trình sản xuất.
Hiện tại, công ty của cô đã có tới 200 nhân viên toàn thời gian. Trong các dịp lễ, cô đăng tuyển thêm cộng tác viên để hoàn thành công việc. Công việc kinh doanh nhờ thế mà dần ổn định trở lại, giúp Susan xây được nhà máy đầu tiên của mình tại Kentucky, Mỹ.