Bị “ép giá”, chứng khoán vẫn tăng điểm

Dù giao dịch diễn ra căng thẳng nhưng chứng khoán vẫn tăng điểm cuối phiên, thanh khoản giảm mạnh.

Sàn thành phố Hồ Chí Minh

Hiện tại, chứng khoán chưa tìm được xu hướng rõ rệt. Trong các phiên giao dịch, VN-Index giằng co mạnh và liên tục đảo chiều. Tâm lý nhà đầu tư chưa thực sự ổn định, chưa thực sự tin vào xu hướng đi lên của VN-Index. Tuy nhiên, sự lạc quan vẫn còn mạnh mẽ nên mỗi khi chứng khoán bị “ép giá” là lại xuất hiện dòng tiền “săn hàng giá rẻ” nên Vn-Index dễ dàng bật dậy mỗi khi đỏ sàn.

Trong giờ mở cửa của phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đi lùi vì nhà đầu tư tham gia thị trường với sự thận trọng. Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn lùi dưới giá tham chiếu khiến VN-Index có thời điểm mất gần 5 điểm. Khi VN-Index giảm mạnh, lực cầu bắt đáy xuất hiện khiến sắc xanh tràn ngập bảng giao dịch điện tử.

Sau đó, thị trường tiếp tục giằng co. Các đợt tăng, giảm liên tục xuất hiện xen kẽ nhau. Tới cuối phiên, thị trường ổn định hơn với đà tăng nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/5, VN-Index tăng 2,57 điểm, tương ứng 0,47% và dừng ở mức 544,06 điểm. Trong 4 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index là chỉ số có tốc độ tăng mạnh nhất.

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 85.780.485 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.198,994 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 14.930.415 cổ phiếu, tương ứng 284,66 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với các phiên gần đây. Toàn sàn ghi nhận có 141 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và 68 mã giảm giá.

VN30-Index tăng nhẹ hơn VN-Index. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/5, VN30-Index tăng 1,89 điểm, tương ứng 0,32% và dừng ở mức 596,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18.725.670 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 394,71 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với cuối tuần trước. Nhóm VN30-Index có 15 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 9 mã giảm giá.

Trong nhóm blue-chip, BVH tăng mạnh nhất, BVH tăng 1.500 đồng/CP lên 39.300 đồng/CP, MSN tăng 1.500 đồng/CP lên 91.000 đồng/CP, DRC tăng 900 đồng/CP lên 44.200 đồng/CP, GMD tăng 900 đồng/CP lên 29.500 đồng/CP, PGD tăng 800 đồng/CP lên 35.300 đồng/CP, CSM tăng 700 đồng/CP lên 38.400 đồng/CP, HSG tăng 500 đồng/CP lên 44.200 đồng/CP,…

Ở chiều ngược lại, VNM mất mát nhiều nhất khi giảm 2.000 đồng/CP xuống 123.000 đồng/CP. Ngoài VNM, đa số các blue-chip còn lại đều giảm rất nhẹ. CII giảm 300 đồng/CP xuống 18.400 đồng/CP, FPT giảm 200 đồng/CP xuống 45.200 đồng/CP, CTG giảm 100 đồng/CP xuống 14.600 đồng/CP, HAG giảm 100 đồng/CP xuống 24.000 đồng/CP, MBB giảm 100 đồng/CP xuống 13.300 đồng/CP,…

Hôm nay giao dịch thỏa thuận trở thành tâm điểm của thị trường khi có tới 14.930.415 cổ phiếu, tương ứng 284,66 tỷ đồng được trao tay. TBC đóng góp lớn giúp giao dịch thỏa thuận tăng vọt. Đã có tới 12.500.000 cổ phiếu TBC, tương đương 252,040 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.

Sàn Hà Nội

Các chỉ số trên sàn Hà Nội giữ được sắc xanh nhưng đà tăng rất khiêm tốn. Kết thúc phiên giao dịch 26/5, HNX-Index tăng 0,3 điểm, tương ứng 0,41% và đóng cửa ở mức 74,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 41.143.048 cổ phiếu, tương ứng 355,218 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 74.966  cổ phiếu, tương ứng 0,62 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 110 mã tăng giá, 63 mã đứng giá và 69 mã giảm giá.

HNX30-Index cũng có biến động rất nhẹ. Chốt phiên ngày 26/5, HNX30-Index tăng 0,45 điểm, tương ứng 0,3% và đóng cửa ở mức 148,59 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 29.234.200 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 269,88 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với hôm qua. Trong nhóm ghi nhận 11 mã tăng giá, 11 mã đứng giá và 7 mã giảm giá.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn Hà Nội, KLF nổi bật hơn cả khi đóng cửa trong sắc tím. KLF tăng 1.000 đồng/CP lên 11.400 đồng/CP. Một số blue-chip tăng chậm hơn có thể kể đến như HUT tăng 400 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP, PGS tăng 300 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP, DCS tăng 200 đồng/CP lên 5.700 đồng/CP, PVS tăng 200 đồng/CP lên 26.100 đồng/CP,…

Các mã blue-chip giảm giá với tốc độ rất chậm. SDT giảm 400 đồng/CP xuống 14.100 đồng/CP, LAS giảm 200 đồng/CP xuống 18.500 đồng/CP, SD6 giảm 100 đồng/CP xuống 12.400 đồng/CP, SD9 giảm 100 đồng/CP xuống 12.000 đồng/CP, SHB giảm 100 đồng/CP xuống 9.000 đồng/CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN