Bị cấm, vẫn làm sàn vàng “ảo”
Dù hình thức kinh doanh vàng tài khoản đã bị cấm nhưng thông qua sàn hàng hóa, nhiều công ty vẫn tổ chức cho nhà đầu tư kinh doanh vàng ảo... Điển hình là Công ty CP tư vấn đầu tư Đỉnh Phong.
Hôm qua, nhiều nhà đầu tư vàng đã "bao vây" Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Đỉnh Phong tại TP.HCM. Dù hình thức kinh doanh vàng tài khoản đã bị cấm, nhưng Đỉnh Phong vẫn lách luật làm sàn vàng “ảo”
Mặc dù bị cấm nhưng công ty Đỉnh Phong vẫn lách luật làm sàn vàng ảo.
Sáng 6-8, hàng loạt nhà đầu tư tại công ty này chết đứng vì trang web của công ty đột ngột bị sập, toàn bộ dữ liệu giao dịch bị xóa sạch. Trong khi đó công ty nói muốn giải quyết phải chờ đến ngày 30-8.
Các nhà đầu tư “ngồi đồng” trước Công ty Đỉnh Phong .
Sáng 6-8, hàng loạt nhà đầu tư tại công ty này chết đứng vì trang web của công ty đột ngột bị sập, toàn bộ dữ liệu giao dịch bị xóa sạch. Trong khi đó công ty nói muốn giải quyết phải chờ đến ngày 30-8.
Đột nhiên sập mạng
Chiều 7-8, nhiều nhà đầu tư vàng tại Công ty Đỉnh Phong đã kéo nhau đến Công an Q.5 nộp đơn tố cáo chủ sàn. Sau đó họ kéo về trước trụ sở công ty này tại 18-20 Phước Hưng, P.8, Q.5. Thông tin lan ra, đến ngày 8-8 hàng loạt nhà đầu tư từ Cà Mau, Hà Nội đã bay vào TP.HCM để gặp chủ sàn.
Chị Hiền, đầu tư vàng tài khoản được khoảng một năm, cho biết thứ sáu tuần trước (3-8) chị liên hệ với Công ty Đỉnh Phong yêu cầu rút 5 triệu đồng. “Đến sáng thứ hai (6-8) tài khoản vẫn chưa có tiền. Tôi gọi đến thì công ty nói đã chuyển tiền rồi. Kiểm tra phía ngân hàng thì ngân hàng nói chưa có, tôi cũng không truy cập được vào trang web của công ty. Khoảng 10g30 ngày 7-8 môi giới điện thoại thông báo lên công ty họp có chuyện gấp. Đến nơi mới ngã ngửa” - chị Hiền nói.
Chị Phương, một nhà đầu tư khác tại sàn này, cho biết ban đầu chị được ký hợp đồng giao dịch nông sản như cà phê, cao su nhưng do cao su, cà phê biến động mạnh quá nên chị không dám chơi nữa. Khoảng hai tháng nay chị được ký thêm phụ lục hợp đồng về kinh doanh vàng. “Tôi chưa kịp giao dịch thì sàn bị sập” - chị than thở. Nhiều nhà đầu tư nghi ngờ đây là chiêu “đánh úp” khách hàng của chủ sàn khi thấy có quá nhiều người đánh thắng.
Anh Nguyễn Hoài Thả, một nhà đầu tư của sàn Đỉnh Phong, bức xúc: “Từ thứ hai (6-8) chúng tôi đã không thể truy cập tài khoản của mình. Nhưng đến nay lãnh đạo công ty vẫn chưa có lời nói hay văn bản chính thức nào nên chúng tôi phải tới đây để chờ đợi lãnh đạo công ty ra mặt trả lời”. Anh H., một chủ đầu tư tận Hà Nội, cho biết: “Tôi giao dịch qua một đại lý ở Hà Nội, phiếu thu được cấp ở đại lý này. Giờ tôi rút tiền qua đại lý không được, đại lý cam kết sẽ trả nhưng tôi vẫn phải vào đây xem trụ sở công ty như thế nào”.
Giải thích việc chậm giải quyết sự cố kỹ thuật như công bố, Công ty Đỉnh Phong cho biết toàn bộ hệ thống mạng đặt tại Singapore. Lỗi xảy ra ở hệ thống mạng bên Singapore nên ở VN không xử lý được. Ông Phạm Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đỉnh Phong, cho biết số dư trên tài khoản của khách hàng đến thời điểm xảy ra sự cố còn hơn 2 tỉ đồng. Đến nay công ty đã gặp trực tiếp hơn 30 khách hàng trong tổng số vài trăm khách hàng ở khắp các tỉnh. Số còn lại công ty đã liên lạc và gửi biên bản làm việc.
Núp bóng sàn giao dịch hàng hóa
Trao đổi với PV, ông Trần Nguyễn Anh Minh - giám đốc kinh doanh Công ty Đỉnh Phong - khẳng định sàn chỉ giao dịch vàng vật chất và hoạt động này được Sở Kế hoạch - đầu tư cấp giấy phép. “Chúng tôi cũng làm giống như các tiệm vàng khác, nghĩa là muốn mua bán chỉ cần đặt cọc, khi nào lấy vàng họ mới phải trả hết tiền” - ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất đây chỉ là hoạt động kinh doanh vàng ảo, các nhà đầu tư chủ yếu đặt lệnh qua điện thoại hoặc thông qua phần mềm do chủ sàn cung cấp. Các nhà đầu tư tại sàn Đỉnh Phong cho biết tỉ lệ ký quỹ ở đây rất hấp dẫn, chỉ 0,5%, ban đầu người chơi phải nộp vào tài khoản 1.000 USD, giao dịch theo lot, 1 lot là 82 lượng nhưng có thể giao dịch tối thiểu 0,1 lot, tương đương 8,2 lượng. Mỗi 0,1 lot chủ sàn lấy phí môi giới 100.000 đồng.
Bản thân ông Minh cũng thừa nhận khách hàng đầu tư trên sàn chủ yếu là ăn chênh lệch giá, có lời là lập tức rút ra chứ không muốn lấy vàng thật. Trả lời câu hỏi vì sao kinh doanh vàng vật chất nhưng tại công ty không hề thấy vàng, ông Minh nói: “Chính xác ra là chúng tôi giống tiệm vàng, chỉ trừ khi có khách lấy vàng mới đưa chứ thật ra chúng tôi chưa phải là tiệm vàng thực thụ. Giữa công ty với các tiệm vàng cũng có mối quan hệ lẫn nhau”.
Nhiều nhà đầu tư tại Công ty Đỉnh Phong cho biết sau khi sàn vàng bị sập mạng, chủ sàn yêu cầu họ đến công ty để giải quyết nhưng kết quả không đến đâu. Anh Khiêm, một trong những nhà đầu tư của sàn vàng này, cho biết trong biên bản chủ sàn chỉ ghi rất sơ sài rằng “sự cố này vẫn chưa khắc phục được, phía chủ sàn sẽ cố gắng cung cấp phần mềm giải quyết sự cố trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời giải quyết mọi quyền lợi cho khách hàng chậm nhất cuối tháng 8” - anh Khiêm nói.
Anh N., một nhà đầu tư khác của sàn Đỉnh Phong, không đồng ý. Anh yêu cầu công ty phải đóng tài khoản căn cứ vào mức giá đóng cửa ngày thứ sáu (3-8) sau khi đã cắt hết lệnh. Anh cũng yêu cầu công ty mở hệ thống dự phòng và giải quyết ngay cho nhà đầu tư. Theo anh N., công ty cố tình lấy cớ để trì hoãn vì giải quyết những sự cố như trên không cần thời gian lâu như thế.
Sở Giao dịch hàng hóa không biết giao dịch vàng trái phép?
Liên quan đến sự cố tại Công ty Đỉnh Phong - một thành viên thuộc Sở Giao dịch hàng hóa VN (VNX), ông Trần Duy Phương - tổng giám đốc VNX - cho biết sở đã nắm thông tin và đang cùng Công ty Đỉnh Phong giải quyết sự việc. Phía Công ty Đỉnh Phong có thông báo đến các nhà đầu tư phương án giải quyết là chậm nhất đến cuối tháng 8 sẽ phục hồi dữ liệu, đồng thời sẽ giải quyết đầy đủ quyền lợi của nhà đầu tư. Còn phía sở đã có công văn gửi các thành viên khác biết sự cố này. “Về việc Đỉnh Phong giao dịch vàng trái phép hay không, chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Còn trong giấy phép hoạt động, theo chúng tôi biết, Công ty Đỉnh Phong có chức năng kinh doanh vàng vật chất. Sở chỉ có chức năng quản lý đối với các hoạt động kinh doanh của sở thôi, còn những hoạt động khác chúng tôi không có chức năng kiểm tra và không nắm bắt được hết” - ông Phương nói. Lách luật Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Phương Dung - trưởng phòng quản lý hoạt động của VNX (Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương) - cho biết có nghe thông tin Công ty Đỉnh Phong làm sàn vàng và đang báo cáo lên bộ tìm hướng xử lý. Theo đó, cơ quan này sẽ tìm hiểu các hành vi để xử lý cũng như có biện pháp chế tài nếu có vi phạm. “Tôi nghĩ hành vi này xuất phát từ việc lách luật thông qua những bất cập từ cơ quan quản lý. Thực tế hiện nay bộ máy quản lý của chúng tôi vừa thiếu vừa yếu và hành lang pháp lý cũng ở tình trạng như thế...”. Trong khi đó Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cho biết trong giấy phép của Công ty Đỉnh Phong do sở cấp có nhiều chức năng hoạt động kinh doanh, trong đó có chức năng “bán buôn vàng, bạc và kim loại quý”. |