BHXH bất lực vì doanh nghiệp nước ngoài bỏ mặc người lao động trốn về nước

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo đại diện BHXH Việt Nam, việc các doanh nghiệp nước ngoài còn nợ đọng BHXH và trốn về nước thì phía BHXH cũng không thể làm gì hơn ngoài thanh tra thu nợ, giám sát đóng BHXH.

BHXH bất lực vì doanh nghiệp nước ngoài bỏ mặc người lao động trốn về nước - 1

Doanh nghiệp FDI bỏ về nước gây nhiều hệ luỵ cho xã hội

Tại hội nghị cung cấp thông tin báo chí tháng 3/2017, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đến hết quý I/2018, số người tham gia: Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 13,68 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,8 triệu người; Bảo hiểm y tế (BHYT) là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.

Trong tháng 3, toàn ngành thu 30.779 tỷ đồng; lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, toàn ngành thu 68.718 tỷ đồng, trong đó: thu BHXH là 48.209 tỷ đồng; thu BHTN là 3.245 tỷ đồng; thu BHYT là 17.264 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 3, BHXH đã giải quyết các chế độ BHXH cho 879.155 lượt người. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2018 đã giải quyết cho hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó: 28.306 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, 125.382 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 2.039.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Đối với BHYT, trong tháng 3, cả nước có khoảng 14,9 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; lũy kế 3 tháng đầu năm, có trên 39 triệu lượt người KCB BHYT.

Thông tin được nhiều người quan tâm đó là việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bỏ trốn về nước khiến người lao động rơi vào cảnh lao đao, quyền lợi BHXH không được hưởng, theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cho đến thời điểm này các doanh nghiệp nợ BHXH Việt Nam khoảng 12 nghìn tỷ đồng trong đó BHXH là 10 nghìn tỷ đồng và BHYT khoảng 2000 tỷ đồng.

Ông Thắng cũng cho biết đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị khởi kiện hình sự theo quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015. Các doanh nghiệp nếu có dấu hiệu nợ đọng tiền BHXH thì các đơn vị sẽ đôn đốc, đến khi thanh tra có những doanh nghiệp nộp và có doanh nghiệp xin khất lại.

Hơn nữa trong quá trình thanh tra, xử phạt nếu doanh nghiệp cố tình chây ì mới quyết định khởi tố. Đến nay mới có 1 doanh nghiệp FDI đang chuẩn bị hồ sơ khởi tố hình sự.

Cũng theo ông Thắng, đối với các doanh nghiệp FDI nếu quản lý chặt nợ trên 10 tỷ là thanh tra ngay và khi chủ doanh nghiệp muốn xuất cảnh là phải xem xét nếu không đủ điều kiện thì cơ quan công an sẽ không cho xuất cảnh tránh trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ về nước.

Đối với các doanh nghiệp FDI bỏ trốn mất tích, theo thống kê của BHXH Việt Nam đến cuối năm 2017 có khoảng 100 doanh nghiệp bỏ về nước gây khó khăn cho người lao động của doanh nghiệp đó. Một số đơn vị được ưu tiên giải quyết vốn liếng thì nợ BHXH cũng không được ưu tiên và BHXH thực sự “bó tay” nếu doanh nghiệp FDI bỏ về nước bỏ nợ BHXH cũng như quyền lợi của người lao động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Thúy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN