Bệnh thành tích trong cổ phần hóa

Sự kiện: Kinh Doanh

Dù quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được các nhà đầu tư quan tâm, nhưng tỷ lệ bán vốn nhà nước quá thấp. Những con số báo cáo thành tích CPH như một kiểu làm hình ảnh. Thực chất tiền vẫn “chôn chân” một chỗ. Theo các chuyên gia, tỷ lệ bán vốn nhà nước chỉ đạt vài phần trăm (%) không giải quyết được vấn đề; việc chậm CPH có yếu tố còn tư lợi.

Ế ẩm hay không muốn bán?

Trong kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, trong khi nhiều ý kiến cho rằng ngân sách đang khó khăn, không có để đầu tư hạ tầng, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Cty Tasco, đại biểu QH tự ứng cử thuộc khối doanh nghiệp (DN) tư nhân có đề nghị bất ngờ: Nguốn vốn Nhà nước còn đến 500 tỷ USD nằm trong các DNNN, nếu dùng để đầu tư không thể gọi là thiếu.

Ông Dũng cho rằng, kết quả CPH chỉ được công bố trên đầu DN được CPH, còn việc Nhà nước rút ra được bao nhiêu tiền - kết quả thực chất hơn lại không lớn. Theo ông, kế hoạch thoái vốn bị chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người đứng đầu các tổ chức, đơn vị chưa quyết liệt. “QH cần đưa ra con số, từ nay đến năm 2020 phải bán được bao nhiêu tiền, không thể tính trên đầu DN được. Giao chỉ tiêu như vậy buộc họ phải tìm cách để bán”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Nhà nước không nên nắm giữ các tài sản không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng như hạ tầng giao thông, khách sạn, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng … Nếu để các DNNN nắm giữ như hiện nay hiệu quả không cao. Một số nơi Nhà nước phải bỏ thêm tiền để duy trì, tạo ra sự cạnh tranh không sòng phẳng với DN tư nhân (sử dụng vốn rẻ, hiệu quả thấp, không chịu sự thúc ép của cổ đông). Trong khi đó, các DN trong lĩnh vực xây dựng, mục tiêu hoàn thành CPH các DN trong năm 2015 đã phải giãn đến quý II/2016, với trường hợp các “ông lớn” là Tổng Cty Sông Đà, IDICO và HUD. Tuy nhiên, dù đến tháng cuối cùng của quý II/2016, 3 DN trên vẫn chưa có tín hiệu về CPH.

Bệnh thành tích trong cổ phần hóa - 1

Tổng Cty Lilama là một trong những DNNN CPH chậm. Ảnh: Nguyên Bảng.

“Chỉ bán được vài % cổ phần ra ngoài, bản thân ông vẫn là DNNN, như thế  không giải quyết được vấn đề gì. Vấn đề là thay đổi được quản trị, làm sao tốt hơn, minh bạch hơn, tạo sức ép cho điều hành. Còn bán được vài %, có lẽ là để lấy thành tích chứ không giải quyết được vấn đề gì” 

Ông Đậu Anh Tuấn

Một ông lớn khác của Bộ Xây dựng là Tổng Cty Lilama, sau khi CPH, phần vốn nhà nước vẫn chiếm trên 97%. Lý giải việc CPH thất bại này, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Cty Lilama cho rằng: Cổ phiếu Lilama không hấp dẫn nhà đầu tư bởi ngành cơ khí không phát triển. Doanh thu của Lilama có những năm lên đến 20.000 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, vì hầu hết máy móc đi nhập (như Tua-bin, máy phát, lò hơi…).“Có một thời, DN cũng đầu tư ngoài ngành. Phát hành trái phiếu xong đầu tư sang cả thủy điện, nhiệt điện, bây giờ không thu hồi được. Nhìn báo cáo tài chính không sáng quá nên nhà đầu tư cũng không mặn mà. Các DN xây lắp mà bán được đa số là nhìn vào bất động sản, trong khi Lilama không sở hữu bất động sản vị trí vàng”, ông Tuấn nói.

Công tác CPH các đơn vị ngành công thương theo chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa được như mong muốn. Trong giai đoạn 2012-2015, bộ này đã hoàn thành công tác sắp xếp, CPH 15 đơn vị. Trong đó, có 5 đơn vị (chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty) đã có nhà đầu tư chiến lược.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc CPH thành công hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối tại DN. Tuy nhiên,  hiện có nhiều quy định gây vướng cho DN trong CPH. Cụ thể, Quyết định 37 của Thủ tướng về phân loại DN cần xem lại, rà soát DN nào cần nắm giữ, đơn vị nào không.

Việc phân loại này sẽ giúp giảm danh mục các đơn vị mà Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ CPH, khi lên phương án CPH, các DN phải đề xuất phương án bán vốn Nhà nước xuống dưới 51% ngay từ đầu.

Ôm hết cổ phần để tư lợi?

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua việc CPH DNNN dù số lượng (DN nhiều), nhưng tỷ lệ bán vốn tại các DN vẫn thấp. Nguyên nhân không hẳn do lo sợ,  hành lang pháp lý, mà có tư tưởng tại một số cơ quan chủ quản, vẫn muốn giữ các DN trong lĩnh vực mình quản lý.

Theo ông Tiến, các DNNN trong lĩnh vực xây dựng, dù CPH vẫn để lại tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn rất cao. Nhiều DN xây dựng, như Lilama được nhà đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm, nhưng vì Nhà nước còn nắm chi phối nên họ chưa muốn mua, vì có mua cũng không nắm được quyền điều hành DN.

Cũng vì Nhà nước còn nắm chi phối, nên dù đã thành DN cổ phần, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh vẫn không mấy hiệu quả, điển hình như Cty Gang thép Thái Nguyên. Hay như Sabeco, Habeco… dù đã CPH 8-9 năm vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, theo ông Tiến, một số lãnh đạo DNNN còn tâm tư, khi bán hết vốn nhà nước rồi mình sẽ về đâu? Khi làm lãnh đạo DNNN có ô tô công đưa đón, ở phòng máy lạnh, nhưng khi bán hết vốn nhà nước, sau đại hội cổ đông có khi phải cắp cặp về cơ quan chủ quản, hoặc nghỉ hưu sớm, mất hết quyền uy. “Bản thân lãnh đạo DN tự xây dựng phương án CPH, nên cũng phải tính toán sao cho mình vẫn được ở lại DN. Hoặc ít nhiều có lợi ích ở đấy nên đó cũng là lý do làm chậm tiến trình CPH”- ông Tiến nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Chỉ bán được vài % cổ phần ra ngoài, bản thân ông vẫn là DNNN, như thế  không giải quyết được vấn đề. Vấn đề là thay đổi được quản trị, làm sao tốt hơn, minh bạch hơn, tạo sức ép cho điều hành. Còn bán được vài %, có lẽ là để lấy thành tích chứ không giải quyết được vấn đề gì”.

Theo ông Tuấn, Nhà nước không phải và không nên là nhà đầu tư đích thực. Ngoài ra, khi Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, về cơ bản vẫn chưa tách bạch được vai trò “kép” là quản lý Nhà nước và điều hành DN.  Ông Tuấn phân tích, khi chuyển từ DNNN chuyển sang cổ phần (Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối) nhưng bộ máy quản lý vẫn cũ, ít thay đổi, cơ cấu quản lý chưa chặt chẽ như DN tư nhân, nên tình trạng giao dịch tư lợi diễn ra khá phổ biến trong các công ty này.

Nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng từng cho rằng, chúng ta không nên quan trọng số lượng DNNN được CPH. Đã tới lúc phải chuyển sang tiêu chí DNNN đó bán được bao nhiêu % cổ phần, và cổ phần đó đã đủ để thành phần ngoài nhà nước nắm chi phối, điều hành DN hay chưa?

Theo ông Vinh, khi tư nhân nắm được cổ phần chi phối mới thay đổi chiến lược kinh doanh, nhân sự của DN, làm cho DNNN thay đổi về bản chất và hoạt động hiệu quả hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV Kinh tế (Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN