BĐS sẽ phục hồi nhờ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng?

Gói tín dụng 100.000 tỷ đang được Nhà nước cân nhắc tung ra trong thời gian tới để thúc đẩy hồi phục thị trường bất động sản.

Trong cuộc Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: vấn đề và giải pháp cho doanh nghiệp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 21/2 tại TP.HCM; TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có tiết lộ về  gói tín dụng 100.000 tỷ.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam chủ trì phối hợp với 4 ngân hàng thương mại khác đang cân nhắc thành lập gói tín dụng này để tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và hướng đến đối tượng thu nhập thấp để được ưu đãi mua nhà. Gói tín dụng 100.000 tỷ được cho là một trong những chủ trương, giải pháp đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 01 năm 2014 vào đầu tháng 1 vừa qua.

Tờ Cafef nhận định, có thể gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đang được cơ quan chức năng nghiên cứu thông qua đề án “Ngân hàng tái cho vay thế chấp nhà ở”. 100.000 tỷ đồng sẽ được đưa vào việc phát triển an sinh xã hội nhà ở do cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở thực hiện. 

BĐS sẽ phục hồi nhờ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng? - 1

Thông qua việc tái cơ cấu các khoản vay, có thể mua lại các khoản vay nhà ở đủ điều kiện nên các doanh nghiệp kinh doanh BĐS khó khăn có thể sẽ được ân hạn trả nợ gốc, giãn thời hạn vay, không phải trả lãi phạt chậm... Từ đó sẽ tạo điều kiện giúp DN bất động sản có thêm thời gian để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng bình luận thêm, gói 100.000 tỷ đồng sẽ phải khắc phục được các nhược điểm của gói tín dụng 30.000 tỷ hiện hành. Theo đó, gói ưu đãi mới phải cân bằng được lợi ích giữa các bên Nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng. Thời hạn cho vay nên được cân nhắc tăng lên 15 năm, giảm lãi suất tối đa và đặc biệt là giá phải thấp.

Được biết, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước về giải ngân cho vay thuộc gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/11/2013 có 1.236 khách hàng được giải ngân 470,8 tỷ đồng, trong đó có 10 doanh nghiệp được giải ngân khoảng 176 tỷ đồng cho các dự án bất động sản.

Gói tín dụng 30.000 tỷ hiện hành chưa giải quyết cốt lõi thị trường BĐS. Bởi gói hỗ trợ chỉ tập trung vào phân khúc bình dân, trong khi đó, tổng giá trị hàng tồn kho của các công ty bất động sản tồn tại chủ yếu ở các phân khúc trung và cao cấp. Bên cạnh đó, cơ chế không rõ ràng giữa người mua đủ điều kiện, ngân hàng và các chủ dự án đạt tiêu chuẩn cũng phần nào ảnh hưởng đến việc giải ngân gói hỗ trợ.

Như vậy có thể thấy, gói 30.000 tỷ chưa thực hiện trọn vẹn đúng "sứ mệnh" như Nhà nước kỳ vọng, nay gói mới 100.000 tỷ lại đang được cân nhắc tung ra. Doanh nghiệp và người dân tiếp tục mong chờ những động thái tích cực từ phía cơ quan Nhà nước có thực sự góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản khởi sắc hơn trong năm 2014 này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hương (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN