BĐS được cứu, chứng khoán sẽ bật dậy?
Thị trường chứng khoán năm 2012 chứng kiến nhiều cú sốc và không ít phen chìm ngập trong sắc đỏ. Tâm lý nhà đầu tư bị đeo bám bởi những tin đồn dẫn dắt và sự bị quan bao trùm.
Tuy nhiên, thông tin giải cứu bất động sản trong những ngày cuối năm đã thành chiếc phao cứu thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư được giải tỏa tâm lý và đang kỳ vọng vào một năm mới sáng sủa hơn.
Chứng khoán “đuối” vì đại gia
Phiên giao dịch cuối năm 2012 khép lại trong sắc xanh, VN-Index đóng cửa tăng 3,76 điểm, tương ứng 0,92%, đạt 413,73 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,94 điểm, tương ứng 1,67%, kết thúc năm tại 57,09 điểm. Như vậy, thị trường đã liên tục phục hồi trong tháng cuối năm 2012. Tính chung cả năm 2012, chỉ số Vn-Index tăng 18% từ 351.55 điểm lên 413,7 điểm, còn HNX-Index giảm nhẹ mức 0,7% từ 56,79 xuống 56,4 điểm. Đây có thể xem là một kết thúc “có hậu” cho những nhà đầu tư chứng khoán trong năm qua trước khi bước vào kỳ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho năm mới.
Tuy nhiên, năm 2012 được nhìn nhận là một năm thực sự khó khăn của thị trường chứng khoán khi liên tục hứng chịu những cú sốc khiến thị trường không ít phen lao đao và nhiều nhà đầu tư phải “gác kiếm”.
Vào ngày 21-8, thị trường chứng khoán lao dốc không phanh sau thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, một đại gia trong giới tài chính, từng là thành viên sáng lập ngân hàng ACB bị khởi tố. Sự kiện đã khiến cho thị trường bay hơi hơn 116 ngàn tỷ đồng trong 4 phiên giao dịch và nhiều cổ phiếu bị nhấn chìm trong sắc đỏ. Tiếp theo đó là nỗi ám ảnh luôn đeo bám nhà đầu tư khi nhiều vị lãnh đạo chủ chốt trong giới ngân hàng cũng lần lượt từ nhiệm và bị vướng vào vòng lao lý.
Năm 2012 còn là năm mà dấu ấn các đại gia để lại trên thị trường quá nhiều. Sự kiện “bầu” Kiên chưa nguội, việc ông Đặng Văn Thành được “mời” hợp tác điều tra và sau đó từ chức vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank sau gần 20 năm gắn bó cũng khiến 25 ngàn tỷ đồng vốn hóa thị trường “không cánh mà bay” trong nỗi hoang mang của nhà đầu tư.
Sự mâu thuẫn trong tâm lý những người trong cuộc được thể hiện khá rõ ở các phiên giao dịch. Các chuyên gia thì nhận định kinh tế đã sáng sủa hơn nhưng nhà đầu tư vẫn bị tin đồn dẫn dắt. Thị trường lên xuống thất thường theo diễn biến tâm lý và tin đồn nhiều hơn việc phân tích các chỉ số căn bản.
Để nói về năm 2012, người ta chưa bao giờ thấy một thị trường chứng khoán lại nhộn nhịp và sống động gắn chặt với những câu chuyện bên lề đến vậy. Nhưng “hú hồn”, cuối cùng thị trường chứng khoán cũng kết thúc một năm tăng điểm và nhà đầu tư đã bắt đầu tỏ ra quan tâm, lo lắng sâu sắc hơn về những vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế như nợ xấu, phá sản, hàng tồn kho….
Những chính sách giải cứu bất động sản cuối năm đã khiến cho thị trường chứng khoán đảo chiều.
“Phao cứu sinh” tháng 12
Các vấn đề về nợ xấu, hàng tồn kho bất động sản, doanh nghiệp phá sản vì không thể tiếp cận vốn được đưa lên bàn nghị sự để mổ xẻ rất nhiều trong năm qua. Đặc biệt, với doanh nghiệp bất động sản thị sự khó khăn tăng lên gấp bội do nhà đất đóng băng nên phần lớn tài sản đều nằm trong đống hàng tồn kho. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản và nợ xấu từ bất động sản tăng mạnh.
Ngoài bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác cũng than trời vì không thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Trong khi đó, nhà đầu tư trên thị trường liên tục ngóng tin về tình hình giải cứu nền kinh tế.
Trong một phiên họp vào những ngày cuối năm, Thủ trướng chính phủ đã tuyên bố sẽ ban hành nghị quyết về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản. Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng cho hay sẽ cung ứng từ 100.000-150.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu trong đầu năm 2013.
Ngoài ra, NHNN cũng cho biết sẽ biết bơm ra 20.000-40.000 tỷ đồng, với lãi suất khoảng 8% hỗ trợ người mua nhà. Không chỉ NHNN vào cuộc mà cả Bộ Tài chính cũng đã trình phương án giảm, giãn và miễn thuế thu nhập, thuế VAT để “cứu bất động sản”. Xa hơn, Bộ xây dựng đề xuất dùng tiền ngân sách để mua nhà thương mại làm nhà tái định cư.
Thông tin thị trường bất động sản được cứu đã tạo ra một làn sóng tích cực trong khắp nền kinh tế và đời sống xã hội. Doanh nghiệp bất động sản thì như sắp chết đuối vớ được cọc. Ngân hàng khấp khởi hi vọng gánh nặng nợ xấu được giảm nhẹ. Đặc biệt đối với các nhà đầu tư chứng khoán thì đây được xem là cơ hội tuyệt vời để đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản và ngân hàng. Thực tế, rất nhiều cổ phiếu đang trong cơn hấp hối bỗng dưng bật dậy như một lò xo bị nén lâu ngày khi chốt chặn chính sách được mở ra.
Thực vậy, những chính sách giải cứu bất động sản cuối năm đã khiến cho thị trường chứng khoán đảo chiều. Con sóng tháng 12 để lại dấu ấn mạnh mẽ trong giới đầu tư và được cho là bước đệm để khởi đầu một năm mới tốt hơn.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV – BSC, xét về trung hạn, thị trường đang có động lực tăng mạnh, xét trên cả quan điểm vĩ mô lẫn kỹ thuật. Do đó, tổ chức này khuyến nghị các nhà đầu tư với chiến lược trung hạn có thể xem xét mua vào tại thời điểm này. Cùng chung nhận định, theo một nhà đầu tư trên thị trường, dòng tiền đang đổ vào chứng khoán mỗi ngày một nhiều, những nhà đầu tư rời bỏ thị trường sẽ quay lại vào thời gian tới giúp thị trường tiếp tục tăng trong trung hạn.
Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp sẽ thoát khỏi được vòng xoáy khủng hoảng mà có thể có một cuộc thanh lọc diễn ra mạnh hơn. Do đó, nhà đầu tư vẫn phải hết sức thận trọng với những cổ phiếu tăng nóng không đi liền với yếu tố cơ bản mà chủ yếu do tâm lý hoặc đội lái. Xét trên toàn bộ thị trường vẫn chưa thể tăng trưởng một cách bền vững nếu Chính phủ không tập trung vào các giải pháp căn cơ hơn.