BĐS đặc khu: Sức hút dồn về đất thổ cư

Ngay từ tháng 5.2018, thị trường bất động sản tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn ghi nhận sự sụt giảm đáng kể cả về giá và số lượng giao dịch. Thị trường giảm nhiệt sau quãng thời gian “sốt đất cao”.

BĐS Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong hạ nhiệt

Thị trường bất động sản tại 3 khu vực được đề xuất thực hiện dự án dự án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) vốn từng sôi sùng sục trong vài tháng trước, đã giảm nhiệt sau “lệnh cấm” để ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn biến phức tạp ở các địa phương trên.

Thị trường ảm đạm sau khi Luật đặc khu được Quốc hội thống nhất lùi thời gian thông qua. Các nhà đầu tư không còn nườm nượp đổ về săn lùng đất đai, các văn phòng môi giới bất động sản đóng cửa im ỉm... 

Ghi nhận tại huyện Vân Đồn, thời gian gần đây không khí sôi động với các cuộc giao dịch đất đai tiền tỉ, khá vắng lặng. Đa phần các sàn giao dịch bất động sản đóng cửa, các quán café – nơi mà nhóm “cò đất” thường ngồi bắt khách để giới thiệu các lô đất đang có nhu cầu bán cũng không còn xuất hiện.

Chạy dọc đảo Cái Bầu, các sàn môi giới đất đai vẫn dán đầy những tấm biển “bán đất”, “cần sang nhượng đất” nhưng đa số đều cửa đóng then cài. Nhưng đảo chính của huyện Vân Đồn này thưa vắng người. 

BĐS đặc khu: Sức hút dồn về đất thổ cư - 1

Nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Vân Đồn đóng cửa (ảnh Lã Nghĩa Hiếu)

Theo chia sẻ của một số nhân viên văn phòng giao dịch ở thị trấn Cái Rồng cho biết, sau khi tỉnh có lệnh tạm dừng chuyển nhượng đất, giao dịch đất đai tại Vân Đồn hạ nhiệt ngay nhưng vẫn còn các giao dịch ngầm. Trong cả tháng 5, người ta chỉ mua bán đất ở gắn với vườn tạp, không mua tràn lan đất đồi rừng, thủy sản như trước nữa. Thay vì làm thủ tục chuyển quyền sử dụng, hai bên chỉ cần làm hợp đồng công chứng rồi trả tiền.

Đặc biệt, sau khi có thông tin lùi thời gian thông qua luật đặc khu, thị trường đất đai ở Vân Đồn cũng ảm đạm. Hầu như không có một giao dịch nào được thực hiện suốt tuần qua.

Tương tự như Vân Đồn, thị trường bất động sản Phú Quốc trong tình trạng “đóng băng”. Theo một chuyên gia bất động sản cho biết, ngoài thông tin về dự luật đặc khu thì có hai tác động khác khiến thị trường bất động sản Phú Quốc hạ nhiệt. Thứ nhất là việc Uỷ ban Nhân dân huyện Phú Quốc vào tháng 5 đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500 m2 trên địa bàn huyện. Thứ hai, từ tháng 4 Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra, làm rõ những sai phạm, thiếu sót trong quản lý sử dụng đất tại huyện này.

Thông tin từ nhà đầu tư, thị trường đất Phú Quốc đang ở giai đoạn “trầm lắng nhất” kể từ đầu năm 2018 đến thời điểm hiện tại. Giá đất nền, đất công, đất dự án trung bình đều giảm từ 10 - 30% trên toàn khu vực đảo. Các khu vực đất xấu, quy hoạch không rõ ràng “giảm giá mạnh”. Đất đẹp, an toàn trong đầu tư như có quy hoạch thuộc đất ở, có thổ cư và thông tin giấy tờ, sổ đỏ (sổ hồng) đầy đủ thì giá “giảm nhẹ” hơn. 

Hoạt động giao dịch tháng 5.2018 giảm đến 50% so với thời gian đỉnh điểm của cơn “sốt đất”. Trước đây các quán cafe, quán cơm là nơi thảo luận, bàn luận về việc mua bán đất thì nay trở nên im ắng và vắng vẻ hơn.

Hoạt hộng truyền thông trực tuyến (online) vẫn rầm rộ trong khâu rao bán, còn khâu tìm mua thì ngược lại. Tuy phía cầu giảm đi nhưng vẫn có một số bộ phận các nhà đầu tư đi tìm kiếm đất để mua, đây là những người am hiểu về thị trường, có kiến thức bất động sản chuyên sâu.

“Các giao dịch đất đai tại Phú Quốc trở nên trầm lắng hẳn sau khi Quốc hội thống nhất lùi thời điểm xem xét dự án luật đặc khu đến tháng 10.2018. Điều này khiến giới “cò đất” buồn ra mặt, nhiều người đã phải chuyển sang nghề khác, chờ đợi thời cơ mới”, một nhân viên môi giới ở thị trấn Dương Đông chia sẻ.

Thị trường bất động sản của Bắc Vân Phong cũng không có gì khác so với Phú Quốc và Vân Đồn. Các "sàn giao dịch" đất tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) im ắng chưa từng thấy.

“Chưa bao giờ có tình trạng ế ấm như những ngày gần đây, sau quyết định dừng chuyển nhượng đất. Việc mua bán của chúng tôi trì trệ hẳn. Trước kia, cuối tuần là thời điểm khách các tỉnh, TP đổ về giao dịch rất đông. Vân phòng chật kín chỗ. Giờ giảm hẳn”, đại diện một công ty môi giới bất động sản tại Vạn Ninh cho biết. 

BĐS đặc khu: Sức hút dồn về đất thổ cư - 2

Tình trạng ế ấm như những ngày gần đây tại Vân Phong. 

Đất thổ cư trở thành hướng đầu tư mới

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều môi giới, thị trường có trầm lắng nhưng giá đất tại đây vẫn không có nhiều biến động sụt giảm nhiều. Trong đó, riêng đất thổ cư đang trở thành một hướng đầu tư của nhiều người từ các vùng khác đến để xây dựng dịch vụ du lịch. Thực tế này đang mang đến cho giới cò đất có thêm hy vọng về một ngày thị trường sẽ sôi động lại.

Trong bối cảnh đó cũng vẫn có một vài điểm sáng. Đó là phân khúc đất thổ cư nằm ở những khu vực có thể xây dựng nhà nghỉ, khách sạn. Tại Vĩnh Yên, Vạn Thạnh - một trọng điểm của đặc khu Bắc Vân Phong trong quy hoạch trước đây của tỉnh Khánh Hoà vẫn ghi nhận một số nhà đầu tư từ Hà Nội, TP. HCM săn lùng những lô tái định cư vị trí đẹp gom vào. Giá đất và số lượng giao dịch tại đây có bớt nóng so với tuần trước, nhưng không đáng kể so với tình hình chung tại 3 đặc khu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc lùi thời gian thông qua luật đặc khu trong kỳ họp lần này đã ít nhiều tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, bởi họ vẫn hy vọng dự thảo luật được thông qua trong tháng 6 này. Song hiện nay, dự thảo luật chưa được thông qua thì chính quyền địa phương cũng nên có sự điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với tình hình thị trường.

Bên cạnh việc tiếp tục ngăn chặn các giao dịch trái pháp luật, kiểm soát các giao này để tránh xảy ra tình trạng sốt đất như thời gian trước thì đối với các giao dịch đúng quy định, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, chính quyền địa phương nên “mở cửa” để người dân, các nhà đầu tư có nhu cầu thực được giao dịch nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của họ theo đúng pháp luật.

Cũng theo Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện Hội chưa có con số thống kê cụ thể về các hoạt động giao dịch, biến động giá đất tại 3 khu vực dự kiến lên đặc khu này. Tuy nhiên, qua ghi nhận và trực quan, cơn sốt đất các khu vực trên đã dừng hẳn.

Theo ông Trần Đình Quý – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, các nhà đầu tư lớn sẽ không tháo chạy khỏi thị trường bất động sản tại các đặc khu. Bởi, khi các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp muốn đầu tư vào vùng kinh tế nào, đặc khu nào, chắc chắn họ đã khảo sát, nghiên cứu rất kỹ thị trường. "Do đó, khi Chính phủ cân nhắc về luật trước khi phê duyệt đặc khu, bản thân tôi cho rằng đấy là tín hiệu tích cực đối với nhà đầu tư".

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản tại các đặc khu quá nóng, bây giờ thị trường bình lặng, ổn định, các nhà đầu tư lướt sóng không có cơ hội gây rối loạn thị trường, điều này sẽ tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu lớn.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Kháng (Dân Viêt)
Sốt đất đặc khu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN