BĐS co cụm sinh tồn
Mặc dù Chính phủ, ngành ngân hàng đã có những động thái cứu thị trường BĐS. Tuy nhiên thực tế từ nhiều tháng qua, thị trường vẫn chưa có chuyển động đáng kể. Lượng căn hộ tồn kho nhiều, giao dịch các loại BĐS chậm, vật liệu xây dựng bế tắc đầu ra… Do đó hàng loạt doanh nghiệp đang co cụm hoạt động, tìm cách đẩy mạnh đầu ra, thu hồi vốn.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai, cho biết hiện nay doanh nghiệp còn tồn kho khoảng 500 căn hộ đã hoàn thiện, nợ vay khoảng 1.000 tỷ đồng. Áp lực lãi suất vay rất lớn nhưng đầu ra sản phẩm từ nhiều tháng nay dậm chân tại chỗ.
Do đó mục tiêu trước mắt là phải tìm cách bán hàng càng nhanh càng tốt. Giải pháp lúc này của doanh nghiệp là bán căn hộ bằng giá thành, thậm chí lỗ chút ít để tăng tính thanh khoản, tạo dòng tiền trả nợ và trang trải hoạt động khác. Bà Loan nói: “Xong mấy dự án này tôi bỏ BĐS. Việc niêm yết trên sàn cũng xem xét lại, có thể phải rút xuống vì áp lực quá lớn”.
Một dự án BĐS đã hoàn thiện nhưng vẫn khó tìm đầu ra. Ảnh: CAO THĂNG
CTCP Dịch vụ Đất Xanh (DXS), thành viên của CTCP Đất Xanh (DXG), sau một thời gian hoạt động đã phải giải thể. Theo tìm hiểu của ĐTTC, DXS là đơn vị chuyên làm công tác môi giới, bán hàng nhưng trong một thời gian dài thị trường bế tắc, không có đầu ra nên công ty đã không trụ nổi.
Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Tổng giám đốc của DXG, cho biết chức năng của DXS đã chuyển về các phòng ban của DXG nhằm tinh gọn bộ máy trong thời buổi khó khăn. Thời gian qua, Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để cứu thị trường BĐS.
Nhưng theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, những động thái này chưa đủ mạnh để vực dậy thị trường. Nhất là những chính sách về tài chính chỉ mới hỗ trợ đầu vào chứ chưa chú trọng đầu ra.
Mới đây, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai ký kết thí điểm gói “Liên kết 4 nhà” gồm chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, ngân hàng. Theo đó, tại buổi lễ BIDV và một số doanh nghiệp đã ký kết “Hợp đồng liên kết Triển khai sản phẩm tài trợ chuỗi liên kết BĐS”.
Ông Trần Lục Lang, Phó Tổng giám đốc BIDV, cho biết bên cạnh việc liên kết nói trên BIDV cũng đang đưa ra 2 gói hỗ trợ đầu ra, trong đó 4.000 tỷ đồng tài trợ cho người mua nhà (khách hàng được vay thời hạn tối đa 15 năm, 85% giá trị hợp đồng); mở rộng đối tượng cho vay: sửa nhà, mua nhà ở, cho thuê, bán… Với người mua nhà, việc chứng minh thu nhập cũng linh động hơn chứ không chỉ căn cứ vào bảng lương.
Bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Sài Gòn Đại Ninh, cho biết BIDV đã tạo những tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS. Bởi đến thời điểm này phần lớn doanh nghiệp đã kiệt sức. Doanh nghiệp mong ngoài BIDV, các ngân hàng khác cũng cần xem xét để hỗ trợ nhà đầu tư, người mua nhà để khơi thông thị trường.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết hiện nay các ngành hàng, sản phẩm liên quan đến BĐS tồn kho rất lớn. Tính đến ngày 30-4, xi măng tồn kho 3 triệu tấn, gấp 3 mức bình thường, tương đương 1 tháng sản xuất. Gạch ciranic tồn kho 45 triệu m2, khoảng 17-18% so với sản lượng sản xuất. Kính xây dựng tồn kho bằng 5 tháng sản xuất, khoảng 80 triệu m2.
Theo ông Nam, gói liên kết “4 nhà” ra đời đúng lúc, đúng nhu cầu. Nếu triển khai tốt, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ giúp hàng hóa lưu thông, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp BĐS nói riêng và nền kinh tế sẽ sôi động hơn.