BĐS, chứng khoán có nguy cơ rửa tiền lớn nhất

Chứng khoán và bất động sản là hai kênh đầu tư tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền nhất vì đây là các kênh đầu tư có thể trở thành công cụ cho rửa tiền.

TS. Cấn Văn Lực – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định về “kênh” đầu tư tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, rửa tiền nhất hiện nay.

BĐS, chứng khoán có nguy cơ rửa tiền lớn nhất - 1

TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV)

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động phòng chống rửa tiền (PCRT) ở Việt Nam hiện nay khi Luật PCRT đã có hiệu lực được gần 2 năm nhưng vẫn chưa có một vụ rửa tiền nào được “khui” ra?

Thực ra không hẳn như vậy. Thí dụ, theo quy định của Luật PCRT với những giao dịch tiền mặt lớn các ngân hàng vẫn phải báo cơ lên Cục PCRT trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Và trong những trường hợp như vậy, các giao dịch đáng ngờ sẽ được điều tra, rà soát và xác minh xem đó có phải là rửa tiền hay không.

Cần thấy rằng việc chống rửa tiền là công việc tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam đang hội nhập nên cũng nằm chung trong xu hướng này. Sau khi Luật PCRT ra đời, NHNN cũng đã ban hành một loạt Thông tư hướng dẫn để luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống. 

Thời gian qua chúng ta đã làm khá chặt chẽ, bài bản và các ngân hàng lớn đã tích cực tham gia vào quá trình PCRT. Do đó, chúng ta gần như “miễn nhiễm” với chuyện kiện cáo, phạt… trong lĩnh vực rửa tiền.

BĐS, chứng khoán có nguy cơ rửa tiền lớn nhất - 2

Kênh đầu tư vào chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền nhiều nhất

Như ông vừa nói chỉ các ngân hàng lớn tích cực tham gia vào PCRT, vậy phải chăng số nhà băng cỡ vừa, nhỏ còn lại trong hệ thống ngân hàng lại … thờ ơ với hoạt động này?

Không hẳn vậy. Tùy vào mỗi ngân hàng, quan điểm của ban điều hành và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng đến đâu sẽ quyết định suất đầu tư vào hoạt động PCRT tới đó. Để PCRT tốt ngân hàng cần phải đầu tư một hệ thống công nghệ hiện đại, bài bản và mạnh. Tôi biết tại một số ngân hàng lớn đã đầu tư công nghệ khá mạnh cho PCRT, vì liên quan tới rửa tiền là mất tiền, mất của và mất uy tín của chính ngân hàng đó.

Thực ra việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cho PCRT không phải là quá lớn. Nhưng như tôi nói, quan trọng là “khẩu vị rủi ro” của ngân hàng đó ra sao, ban lãnh đạo ngân hàng có quan tâm và coi trọng vấn đề này hay không.

Trong số các kênh đầu tư như “đổ” tiền vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… theo ông kênh đầu tư nào có độ rủi ro rửa tiền lớn nhất?

Chứng khoán và bất động sản là hai kênh đầu tư dễ dẫn tới rửa tiền nhất vì đây đều là những kênh đầu tư trực tiếp, gián tiếp.  Và đây là những công cụ để có hành vi rửa tiền diễn ra.

Ví như giao dịch mua bán cổ phần doanh nghiệp, sau một thời gian mua đi bán lại, tiền từ không có địa chỉ chuyển thành một đồng tiền có địa chỉ rõ ràng, được coi như thu nhập chính đáng. Cũng cần lưu ý là việc rửa tiền bao giờ cũng phải gắn với các thị trường có mức độ sinh lời cao. Ở các nước trên thế giới họ cũng đều tập trung kiểm soát rửa tiền thông qua hai kênh đầu tư này. Do vậy chúng ta càng cần phải thận trọng.

Còn với kênh ngân hàng thì hiện mức độ kiểm soát đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhất là khi chúng ta có Luật PCRT ra đời và sự tham gia của các ngân hàng trong PCRT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN