Bầu Đức trần tình cáo buộc phá rừng

Chiều 17/5, tại TP.HCM, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có buổi trao đổi thông tin với báo giới, nhà đầu tư về những thông tin cáo buộc tập đoàn này phá rừng trong khi đầu tư tại Lào và Campuchia.

“Chúng tôi khẳng định chưa bao giờ gặp gỡ đại diện của Tổ chức Global Witness trước khi có bản thông cáo này. Chúng tôi đề nghị Global Witness không chỉ gặp mặt hai bên mà phải có mặt các hãng thông tấn quốc tế - những tổ chức báo chí đã được Global Witness gửi thông cáo. Qua đó sẽ họp bàn và khảo sát thực địa tại Lào và Campuchia để các bên có thể đánh giá cái gì được, cái gì chưa được. Nếu HAGL có điểm nào chưa đáp ứng được thì sẽ tìm phương án hợp lý để khắc phục. Tuy nhiên, đến chiều ngày 16/5, họ hồi đáp lại không đồng ý đề xuất này mà muốn gặp riêng tôi, không phải ở Campuchia hay Lào mà tại Việt Nam để bàn bạc. Tôi không đồng ý”, Chủ tịch tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết.

Bầu Đức trần tình cáo buộc phá rừng - 1

Bầu Đức: “Cáo buộc của Global Witness là không chính xác và vô căn cứ”

“Không chính xác và vô căn cứ”

Sau khi có những cáo buộc của tổ chức Global Witness (Tổ chức Nhân chứng toàn cầu) chỉ đích danh hai công ty Việt Nam là HAGL và Tập đoàn Công nghiệp cao su đang tham gia vào nhiều hoạt động phá rừng, chiếm đất tại Lào và Campuchia. Ngay lập tức thông tin trên nhận được sự quan tâm của dư luận và nhiều cơ quan báo chí trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là sự phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ từ những "người trong cuộc".

Trả lời báo giới, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL khẳng định:  “Các cáo buộc trên là hoàn toàn không chính xác, vô căn cứ. Chúng tôi là một tập đoàn tư nhân lớn, một thương hiệu nổi tiếng, với nhiều cổ đông trong và ngoài nước nên chuyện thượng tôn pháp luật là việc đầu tiên chúng tôi phải thực hiện. Nguyên tắc khi đầu tư vào bất cứ đâu cũng đều phải tuân thủ quy định, pháp luật địa phương. Tôi phải nhấn mạnh là quy định ở đó vô cùng chặt chẽ, phải qua rất nhiều bước. Nói như thế để thấy, đầu tư tại Việt Nam, tại Lào hay Campuchia cũng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định pháp luật tại nước sở tại”.

Bầu Đức cũng đưa ra các bằng chứng cho rằng việc cáo buộc HAGL khai thác gỗ là hoàn toàn sai sự thật. Theo đó, quy định tại Lào và Campuchia, gỗ trên đất làm dự án là của nhà nước, HAGL chỉ được phép thuê đất trong 50 năm. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng cho thuê đất, chính phủ thuê một doanh nghiệp nào đó khai thác gỗ trên đất, sau đó tổ chức bán đấu giá số gỗ khai thác.

“HAGL chỉ nhận đất sạch chứ không đụng vào bất cứ một cây gỗ nào. Và xin nói rõ là dù được phép tham gia đấu giá mua gỗ này nhưng HAGL đã từ chối tham gia.  Về các bức ảnh mà Tổ chức Global Witness chụp, như về một xe chở gỗ chẳng hạn, rồi bảo đó là của HAGL là không đúng. HAGL không buôn bán gỗ thì lấy đâu ra xe chở gỗ. Họ cũng đưa ra những hình ảnh chụp từ vệ tinh, cho rằng trước khi HAGL đến nó là một khu rừng, sau khi HAGL đầu tư, thì rừng bị đốn để trồng cao su. Thì tất nhiên là thế, với sự cho phép của Chính phủ, trước nó là rừng nghèo, bây giờ HAGL biến nó thành rừng cao su”, ông Đức cho biết.

Bầu Đức trần tình cáo buộc phá rừng - 2

Bầu Đức trần tình cáo buộc phá rừng - 3

Bầu Đức và đại diện lãnh đạo tập đoàn HAGL khẳng định không hề có chuyện khai thác gỗ như cáo buộc của Global Witness

Về cáo buộc HAGL là đã hủy hoại sinh kế người dân địa phương và cơ hội làm việc tại các đồn điền này là rất hạn chế, ông Đức cho biết hiện tại, số lao động địa phương mà HAGL đang huy động sử dụng tại Lào ít nhất là 12.000 lao động và tại Campuchia là 5.000. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hiện tại, còn tương lai phải gấp đôi và sẽ phải mở rộng hơn nữa. Với những dự án lớn như vậy, HAGL chủ yếu phải huy động lao động địa phương, tới 90%. Chưa kể, quy định của họ là chỉ cho phép đưa 10 - 15% bên ngoài vào. Khi HAGL chưa đầu tư, GDP bình quân đầu người ở tỉnh Attapeu vào khoảng 300USD/năm, nhưng hiện tại đã là 1.200USD/năm. Bên cạnh đó, bầu Đức cũng khẳng định HAGL không hề có bất kỳ tranh chấp nào với người dân địa phương về đất đai.

Bầu Đức cho biết vào thời điểm công bố cáo bạch, một số dự án Hoàng Anh Gia Lai đang phát triển mà chưa có đầy đủ các loại giấy phép cần thiết của Chính phủ. Nhưng tập đoàn khẳng định đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cho các dự án của mình. Ngoài ra, bầu Đức cũng cho rằng các lập luận Global Witness đưa ra thông qua ảnh vệ tinh không thể chính xác. Khu đất đã được Chính phủ Lào, Campuchia quy hoạch và cho phép tập đoàn khai hoang. Như vậy, khi Hoàng Anh Gia Lai tiếp nhận cải tạo và phát triển kinh tế, diện tích cây cối trước đó buộc phải trở thành rừng cao su. Các loại gỗ quý trong rừng, HAGL cũng không được phép đụng tới theo quy định pháp luật tại Lào và Campuchia.

Bầu Đức trần tình cáo buộc phá rừng - 4

Đông đảo báo giới trong và ngoài nước cùng nhiều nhà đầu tư dự buổi trần tình của bầu Đức về những cáo buộc phát đi từ Global Witness

Mời tổ chức đánh giá tác động môi trường độc lập

“Tuy nhiên, Global Witness đã liên lạc và gửi cho chúng tôi hàng loạt câu hỏi về các hoạt động của HAGL nhưng họ không cung cấp và chia sẻ các bằng chứng. Về phía HAGL, chúng tôi sẵn sàng đối chất từng vấn đề cụ thể mà tổ chức này đưa ra, và chúng tôi đã gửi lời mời chính thức đến tổ chức này đến thăm bất kỳ dự án nào của chúng tôi.

Chúng tôi cũng khẳng định chúng tôi chưa bao giờ gặp gỡ đại diện của Tổ chức Global Witness trước khi có bản cáo bạch này như thông tin mà tổ chức này đã phát biểu. Chúng tôi cũng đề nghị Global Witness không chỉ gặp mặt hai bên mà phải có mặt các hãng thông tấn quốc tế - những tổ chức báo chí đã được Global Witness gửi thông cáo. Qua đó sẽ họp bàn và khảo sát thực địa tại Lào và Campuchia để các bên có thể đánh giá cái gì được, cái gì chưa được. Nếu HAGL có điểm nào chưa đáp ứng được thì sẽ tìm phương án hợp lý để khắc phục. Tuy nhiên, đến chiều ngày 16/5, họ hồi đáp lại không đồng ý đề xuất này mà muốn gặp riêng tôi, không phải ở Campuchia hay Lào mà tại Việt Nam để bàn bạc. Tôi không đồng ý”, bầu Đức trần tình.

Ông Đức cũng cho biết thêm, HAGL đã xúc tiến mời tổ chức đánh giá tác động môi trường Bureau Veritas có trụ sở tại Pháp đến kiểm tra các dự án của HAGl và nếu như đáp ứng đủ yêu cầu họ sẽ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho HAGL. Đây là tổ chức đứng thứ 2 trên thế giới về đánh giá tác động môi trường, có lịch sử 200 năm với quy mô 28.000 nhân viên, độ phủ tại 145 quốc gia. Họ không có mối liên hệ nào với HAGL và là tổ chức thứ 3 hoàn toàn độc lập. Bản thân tôi tự tin HAGL sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí của họ. Và cũng là câu trả lời tốt nhất của chúng tôi đối với mọi lời cáo buộc.

Những quan điểm của Global Witness trong bản báo cáo bao gồm các ý chính: Hai công ty Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn công nghiệp cao su đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 ha đất (trong đó 161.344 ha ở Campuchia, phần còn lại ở Lào) để dựng đồn điền cao su, HAGL được phân bố hơn 80.000 ha. Hai tập đoàn có những mối quan hệ chặt chẽ cả với tầng lớp lãnh đạo chính trị tham nhũng và giới tài phiệt tại hai nước. Chính điều này là lá chắn để hai tập đoàn không bị xử lý khi vi phạm luật pháp. Những người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được bồi thường. Hai công ty đã gây ra những hủy hoại về môi trường và xã hội.

Sau khi được nhượng đất để trồng cao su, họ phá rừng và vận chuyển gỗ về Việt Nam, đồng thời lấn ra khỏi khu vực được nhượng đất. Dân địa phương phải đối mặt với sự nghèo đói vì mất rừng, mất đất trồng lúa. Với những cáo buộc trên, tổ chức này khuyến cáo chính phủ hai nước Lào và Campuchia phải ngừng ngay mọi hoạt động liên quan đến hai công ty và cho điều tra để xử lý tất cả những hoạt động trái pháp luật được phát hiện. Đồng thời tổ chức này lên án Deutsche Bank và IFC đã tài trợ tài chính cho các công ty này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Trọng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN