Bầu Đức lại ‘đút túi’ nghìn tỷ
Với lợi nhuận sau thuế đạt 972 tỷ đồng trong quý III,Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có cuộc bứt phá vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, đưa khối tài sản của bầu Đức lên tầm cao mới...
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa thông qua báo cáo tài chính quý III/2014, với lợi nhuận sau thuế đạt 972 tỷ đồng.
Khoản lãi bất ngờ này giúp doanh nghiệp vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng kinh doanh. Cũng theo Nghị quyết Hội đồng quản trị vừa ban hành, lũy kế 9 tháng đầu năm nay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - mã chứng khoán HAG đạt 1.653 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Con số này cao hơn 10% mục tiêu lợi nhuận tập đoàn đề ra cho cả năm 2014 là 1.460 tỷ đồng. Chủ tịch Tập đoàn HAGL, Đoàn Nguyên Đức Khoản lợi nhuận bất thường này có nguồn gốc từ việc bầu Đức chào bán cổ phần công ty con là HAGL Land (có dự án khu phức hợp tại Yangon, Myanmar).
Theo kế hoạch, hạch toán lợi nhuận của đợt phát hành này sẽ chia thành hai lần, lần đầu dự kiến thu về 1.100 tỷ đồng, tương ứng công ty mẹ ghi nhận gần 750 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế. Phó tổng giám đốc Tập đoàn HAGL, Võ Trường Sơn cho biết, HAG đang áp dụng Chuẩn mực và Chế độ kế toán Việt Nam để lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty.
Nghiệp vụ phát hành này về bản chất được xem là nghiệp vụ bán bớt phần vốn sở hữu của HAG trong HAGL Land. Vì vậy, khoản thặng dư thuộc sở hữu của HAG sau khi phát hành được hạch toán vào tài khoản thu nhập hoạt động tài chính trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất 6 tháng cuối năm 2014.
Trước đó, trong Đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4/2014, Tổng giám đốc HAGL Nguyễn Văn Sự từng tuyên bố sẽ từ chức nếu lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2014 không tăng 50%. Ông Sự đã đặt cược vào khả năng tăng trưởng của tập đoàn trong năm nay, với mức lợi nhuận sau thuế khoảng 1.460 tỷ đồng.
Bầu Đức lại ‘đút túi’ nghìn tỷ.
Con đường trở thành người giàu nhất VN của bầu Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai không chỉ nổi tiếng vì 'máu' bóng đá mà còn việc… lận đận trên đường học hành.
Sau nhiều năm không chinh phục thành công giảng đường, bầu Đức gắn bó với nghiệp kinh doanh. Bầu Đức khởi nghiệp từ một xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh, sau đó mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực trồng rừng, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng,…
Tuy nhiên, bất động sản là một trong những nguồn lớn mang lại nguồn tài chính dồi dào cho Hoàng Anh Gia Lai.
Năm 2006, Hoàng Anh Gia Lai cổ phần hóa với vốn điều lệ đạt gần 296 tỷ đồng. Năm 2008, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. Lúc này, vốn điều lệ của Hoàng Anh Gia Lai tăng gấp 6 lần năm 2006.
Ngay khi lên sàn, HAG đã nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư. Cổ phiếu HAG bứt phá khiến cả Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức đều có cơ hội 'hứng tiền'. Cụ thể, tính theo giá đóng cửa ngày 31/12/2008, vốn hóa thị trường của Hoàng Anh Gia Lai vọt lên 11.328 tỷ đồng, chiếm 2,5% quy mô toàn thị trường Bầu Đức đánh bật ông Đặng Thành Tâm và 'chiếm' ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008 với 6.160 tỷ đồng.
Sang năm 2009, thị trường chứng khoán tuột dốc nhưng cổ phiếu HAG lại tăng gấp rưỡi lên 78.000 đồng/cổ phiếu (CP). Điều đó đồng nghĩa với việc khối tài sản của bầu Đức tăng mạnh, vọt lên 11.500 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn giữ được ngôi vị số 1.
Tuy nhiên, trong năm 2009, đối thủ đáng gớm của bầu Đức đã xuất hiện. Đó là ông Phạm Nhật Vượng. Tài sản của vị doanh nhân này vọt lên 9.000 tỷ đồng.
Năm 2010, thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống nhưng giá trị tài sản HAG vẫn tăng. HAG giúp bầu Đức 'đút túi' thêm 400 tỷ đồng.
Như vậy, sau 2 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, HAG mang lại cho bầu Đức khối tài sản lên tới 11.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên 11.900 tỷ đồng không đủ sức giúp bầu Đức giữ được vị trí số 1. Năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng, ông chủ của Vingroup (VIC) đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
Khối tài sản mà ông Vượng nắm giữ tăng vọt lên con số 15.800 tỷ đồng. Kể từ đó đến nay, ông Vượng trở thành người 'thống lĩnh' danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù giữ ngôi vị á quân liên tiếp từ năm 2010, nhưng bầu Đức khó có thể tìm về ngôi vị số 1 ngày nào bởi sự tăng trưởng không ngừng nghỉ của khối tài sản mà ông Vượng nắm giữ.
Đầu tháng 10/2014, tổng giá trị VIC mà ông Vượng nắm giữ đạt gần 21.600 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Trong khi đó, khối tài sản của bầu Đức 'chỉ' đạt gần 9.000 tỷ đồng.
Nếu muốn vượt qua được ông Vượng, bầu Đức phải nhanh chóng có thêm ít nhất 12.600 tỷ đồng. Tính theo thị giá 26.000 đồng/CP ngày 7/10 của HAG, cổ phiếu này phải tăng thêm 40.000 đồng/CP. Nghĩa là HAG phải đạt ít nhất 66.000 đồng/CP.
Với một blue-chip (cổ phiếu ít rủi ro), việc tăng 100% thị giá là điều không dễ xảy ra mặc dù HAG đang hứa hẹn một khoảng thời gian bùng nổ.
Và ngay cả khi điều kỳ diệu đó xảy ra, bầu Đức vẫn không dễ vượt qua ông Vượng để trở về ngôi vị số 1 vì VIC vẫn có nhiều cơ hội tăng giá với hoạt động kinh doanh hiệu quả.