Bất thường sau khi FED tăng lãi suất

Giá USD trong và ngoài nước giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lên 0,75%-1% hôm 16-3. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng trong tương lai, giá USD vẫn biến động theo hướng đi lên.

Thông thường, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, USD tăng giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Thế nhưng, sau 4 ngày FED tăng lãi suất, đồng nội tệ của nhiều quốc gia lại tăng giá so với USD. Cụ thể, đồng euro, won (KRW - Hàn Quốc) cùng tăng 0,05%; franc (CHF - Thụy Sĩ) tăng 0,02%, đô la Úc (AUD) tăng 0,04%... Hiện nay, 1 USD đổi được 0,9284 euro, 0,9963 CHF, 1.131 won,…

Tỉ giá VNĐ/USD giảm

Tại Việt Nam, giá USD cũng giảm mạnh. Tỉ giá VNĐ/USD tại các ngân hàng (NH) thương mại từ 22.860 đồng/USD xuống còn 22.820 đồng/USD. Tỉ giá trung tâm do NH Nhà nước công bố cũng giảm từ 22.262 đồng/USD xuống 22.251 đồng/USD. Như vậy, nếu tính từ ngày FED tăng lãi suất, giá USD của các NH giảm 40 đồng/USD, tỉ giá trung tâm giảm 11 đồng/USD.

Nhiều NH thương mại cho biết các yếu tố khiến tỉ giá tại Việt Nam biến động là giá trị của USD quốc tế, cung cầu ngoại tệ trong nước, tỉ giá trung tâm… Thế nhưng, trước và sau khi FED tăng lãi suất, các NH gần như không mua - bán USD với nhau (giao dịch USD liên NH) - một diễn biến khá lạ so với những lần FED tăng lãi suất trong năm 2016.

Bất thường sau khi FED tăng lãi suất - 1

Tỉ giá VNĐ/USD giảm sau khi FED tăng lãi suất Ảnh: Tấn Thạnh

Về hiện tượng này, lãnh đạo một NH có thế mạnh xuất nhập khẩu lý giải: Trước đây, mỗi lần Mỹ điều chỉnh lãi suất, các NH thường mạnh tay mua USD rồi găm giữ chờ tỉ giá tăng bán lại cho khách hàng. Tuy nhiên, năm ngoái, nhiều NH phải trả giá đắt khi mua USD từ NH Nhà nước với giá cao nhưng sau đó phải bán ra với giá thấp hơn 300 đồng/USD. Vì thế, lần này, các NH không dám “ôm” USD bởi dự trữ ngoại tệ của NH Nhà nước quá dồi dào và cơ quan này có thể tung ra can thiệp thị trường bất cứ lúc nào. Mặt khác, vào thời điểm FED tăng lãi suất, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp không cao nên tỉ giá VNĐ/USD tại các NH thương mại hoàn toàn phụ thuộc biến động của USD trên thị trường quốc tế và tỉ giá trung tâm.

Trong khi đó, tỉ giá trung tâm được NH Nhà nước điều hành theo mức độ biến động của nhóm 8 đồng tiền có quan hệ thương mại sâu sắc với Việt Nam, gồm: USD, euro, won, đô la Đài Loan, đô la Singapore, nhân dân tệ (Trung Quốc), yen (Nhật Bản), baht (THB - Thái Lan). Do nội tệ của nhiều quốc gia trong nhóm này tăng giá so với USD nên NH Nhà nước cũng tăng giá VNĐ, tức tỉ giá trung tâm VNĐ/USD giảm, kéo tỉ giá VNĐ/USD của NH thương mại giảm theo.

Biến động nhất thời

Đề cập nguyên nhân giá USD biến động ngược chiều với động thái tăng lãi suất của FED, giới phân tích cho rằng đây chỉ là diễn biến nhất thời trên thị trường. Bởi lẽ, giới đầu cơ quốc tế thường có những đợt thu gom rồi “xả hàng” mỗi ngày hàng chục tỉ USD khiến ngoại tệ này biến động trong ngắn hạn.

Trưởng phòng kinh doanh tiền tệ một NH ở TP HCM phân tích: Trước khi FED tăng lãi suất, giới đầu cơ ở nước ngoài gom khoảng 16 tỉ USD với kỳ vọng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất sẽ tăng mạnh kéo USD tăng giá. Tuy nhiên, khi FED tăng lãi suất chỉ 0,25 điểm %, đối tượng đầu cơ nhận thấy quá thấp, đồng thời người đứng đầu tổ chức này - bà Janet Yellen - tuyên bố không thắt chặt tiền tệ khiến họ thất vọng, mạnh tay bán USD.

“Tuy vậy, xu hướng USD trong dài hạn vẫn đi lên bởi FED đã phát tín hiệu tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2017 và đến năm 2018 có thể tăng 3 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm %” - vị trưởng phòng kinh doanh tiền tệ nêu trên nhận định.

Đồng tình với ý kiến này, GS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, nhìn nhận USD tăng giá trong tương lai là khá rõ bởi các thành viên của FED đã thống nhất lộ trình tăng lãi suất. Nguyên nhân là do Tổng thống Donald Trump chủ trương mở rộng chính sách tài khóa, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Khi đó, kinh tế Mỹ đi lên, tạo áp lực lên lạm phát, giới đầu tư sẽ đẩy mạnh nắm giữ các tài sản được định giá bằng USD, buộc lãi suất của đồng tiền này tăng.

“Việc FED tăng lãi suất lên mức nào và theo lộ trình nào sẽ tùy thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ trong từng điểm nhất định” - GS Trần Ngọc Thơ nhận định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng FED sẽ không tăng mạnh lãi suất bởi nếu để USD tăng giá quá nhiều sẽ có lợi cho các nước khác xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế nhập siêu của nước này.

Theo chuyên gia tài chính NH Cấn Văn Lực, nhiều nước đang theo dõi động thái của chính quyền Mỹ để có những điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa, tỉ giá… và đây là những yếu tố tạo áp lực lên VNĐ. “Theo tính toán của tôi, nếu kiểm soát tốt thì trong tương lai, VNĐ có thể giảm giá 2%-3%. Tuy nhiên, với mức giảm này, người nắm giữ USD vẫn không có lợi bằng gửi tiết kiệm VNĐ với lãi suất phổ biến 7%/năm” - ông Lực đánh giá.

Lãi suất VNĐ “nóng” lên

Sau khi NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất lên tới 8,8%/năm vào đầu tháng 3-2017, lập tức đến giữa tháng 3, NH Sài Gòn Thương Tín huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi với lãi suất gần 8,5%/năm đối với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm, lãi suất 8,88% đối với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 7 năm nhưng mức lãi suất này chỉ áp dụng trong năm đầu tiên. Còn chứng chỉ tiền gửi do NH Việt Á phát hành với kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng có lãi suất lên đến 8,2%/năm.

Tuy mức lãi suất huy động như trên là khá cao nhưng các NH chỉ yêu cầu khách hành mua chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu từ 1 đến 10 triệu đồng. Đặc biệt, người mua chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng cho người khác hoặc thế chấp cho ngân hàng để vay lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN