Bất động sản TP.HCM: Cầu cứu
Biện pháp bất đắc dĩ được nhiều doanh nghiệp áp dụng khá phổ biến trên thị trường bất động sản TP.HCM là đại hạ giá, nhưng chưa chắc đã kéo được dự án bất động sản thoát khỏi sa lầy.
Dự án căn hộ: “tháo chạy” chẳng dễ
Những diễn biến trên thị trường bất động sản cho thấy, từ năm 2009 đến nay, thị trường căn hộ TP.HCM đã trải qua 3 đợt giảm giá có quy mô đại trà. Lần đầu là năm 2009, lần thứ 2 là vào cuối năm 2011, và hiện nay, tiếp tục thêm một lần giảm giá.
“Với mức giá bán 18,2 triệu đồng/m2 như dự án Hoàng Anh River View, không một doanh nghiệp nào lúc này có thể đầu tư dự án mới được vì chắc chắn sẽ lỗ”, ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (thuộc Hoàng Anh Gia Lai) nhận định và cho rằng, dù biết hiện nay, nhiều dự án bán ra không có lời, thạm chí bị lỗ, nhưng đó là cách tốt nhất để tự cứu mình, vì không giảm giá bán, chi phí lãi vay và các chi phí khác còn nặng nề hơn”. Theo ông Lê Hùng, phần lớn các dự án đang được đầu tư hiện nay đều phải sử dụng vốn vay ngân hàng và khi thông thường khi ngân hàng cho vay đã thẩm định giá của dự án theo giá thị trường để làm cơ sở rót vốn cho vay. Vì vậy, khi giảm giá bán, giá trị của dự án bị giảm xuống, chủ đầu tư sẽ bị ngân hàng “tuýt còi”.
Cứu 40 dự án điển hình
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù không công bố giảm giá bán căn hộ đồng loạt như Hoàng Anh Gia Lai, song trên thực tế thông qua các hình thức khuyến mại, phần lớn giá bán căn hộ đã có mức giá giảm từ 20 đến 30% so với cách đây vài năm, bởi việc công bố giảm giá bán căn hộ đồng loạt như Hoàng Anh Gia Lai, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. “Doanh nghiệp muốn công bố giảm giá bán trước hết phải có năng lực tài chính để tìm ra khoản tiền có thể thay thế khoản bị hụt đi sau khi giảm giá để chứng minh được khả năng trả nợ ngân hàng, hoặc bù đắp vào dự án. Đây là điều mà Hoàng Anh Gia Lai vẫn thực hiện khi giảm giá bán căn hộ”, ông Hùng nói và cho rằng, mặc dù đã phải chấp nhận khó khăn kép như vậy, nhưng nếu không chọn thời điểm thích hợp để giảm giá bán sẽ bị phản tác dụng.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành, cái khó của thị trường hiện nay xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng điều có tính chất quyết định tạo nên “cái chết” của thị trường bất động sản, lại chính là khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng, do không thể phân biệt thật – giả. Vì thế, mặc dù giá bán nhiều dự án căn hộ hiện nay đã bằng hoặc thấp hơn giá thành đầu tư, nhưng sau một lần giảm giá, khách hàng sẽ tiếp tục chờ đợi lần tiếp theo.
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, khó khăn của thị trường bất động sản lúc này đã vượt quá sức chịu đựng và khả năng giải quyết của các chủ đầu tư, vì thế, chỉ trong khoảng thời gian 5 tháng qua, TP.HCM đã tổ chức khá nhiều cuộc họp để tìm các giải pháp giải cứu các dự án bất động sản. “Tháng 8 vừa qua, TP.HCM đã thành lập 4 tổ công tác, nghiên cứu 40 dự án điển hình của 40 chủ đầu tư để tìm ra những điểm nghẽn thực sự của các dự án, nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ”, bà Loan nói và cho biết, hiện Sở Xây dựng đang cùng cơ quan thường trực về chính sách nhà ở và Hiệp hội bất động sản TP.HCM nghiên cứu 40 dự án này để có đề xuất các giải pháp thiết thực, tạo thanh khoản cho từng dự án. Tất cả những vướng mắc đang được cân nhắc trong dự thảo báo cáo, sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia tại các trường đại học, dự thảo sẽ được trình để UBND Thành phố xem xét.