Bất động sản TP.HCM 2015 có gì khác biệt với 2014?
Giao dịch bất động sản tăng mạnh trong năm 2015 tại TP.HCM với hơn 26.000 giao dịch thành công, tăng 1,5 lần so với năm 2014, giá chào bán cũng tăng từ 2-15%.
Tại các quận như: Quận 2, Quận 9, Quận Thủ Đức, Quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè có nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường nhà biệt thự, nhà liền kề.
Quận 2,4,6,12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân… là những quận có nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường căn hộ chung cư. Tại Quận 9, 12, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn có nguồn cung lớn đất nền nhà.
2015 cũng là năm chuyển mình của khu Đông Sài Gòn với nhiều dự án nổi bật.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), có 3 chủ thể tác động trực tiếp đến việc tăng giá bán trên thị trường bất động sản là: Chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản thường tăng giá bán qua mỗi đợt chào bán sản phẩm; sàn giao dịch và nhà môi giới tăng giá bán; nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp mua đi bán lại tăng giá bán để kiếm lời.
Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực của việc tăng giá ảo làm méo mó thị trường, Hiệp hội cũng đã có những kiến nghị lên Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách, cơ chế và công cụ tác động đến các chủ thể nói trên để giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Horea khuyến nghị các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản phải luôn coi trọng công tác xây dựng uy tín thương hiệu, gắn bó lợi ích hữu cơ với khách hàng và đối tác. Trong đó, có việc định mức lợi nhuận mục tiêu và xây dựng giá bán sản phẩm hợp lý của từng dự án.
Được biết, hiện trên địa bàn thành phố cũng đã xuất hiện loại hình đầu tư kinh doanh bất động sản của các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ phân lô bán nền có diện tích nhỏ khoảng 40-50m2 trong đó các khu vực quy hoạch dân cư được cấp phép xây dựng nhà ở và được cấp sổ đỏ để bán cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp thường xảy ra ở các khu vực có đông người nhập cư.
Cách làm này đã đáp ứng được nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp, đất thổ vườn đối với các hộ gia đình đông người. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể tác động làm gia tăng tình trạng mở rộng đô thị theo kiểu “vết dầu loang”, không phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch và theo dự án cần được thành phố, quận, huyện định hướng lại và có các biện pháp điều chỉnh phù hợp và kịp thời.
Về vấn đề bất động sản tồn kho trên thị trường, Horea cho biết, theo thống kê của 36 dự án năm 2012 thì có đến 14.490 căn hộ tồn kho. Tính đến hết năm 2015 đã bán được 11.088 căn hộ, số lượng tồn kho còn 3.402 căn, giảm 76,5% so với cuối năm 2012.
Điểm đặc biệt của năm 2015 là sự phát triển mạnh của phân khúc bất động sản cao cấp với nhiều dự án được khởi công xây dựng và chào bán trên thị trường. Trong phân khúc bất động sản cao cấp hiện nay ngoài khu đô thị Nam Sài Gòn đã phát triển từ nhiều năm trước thì hiện nay đang có xu hướng “bùng nổ” tại khu Đông Sài Gòn.
Nhiều công ty có uy tín trên thị trường đã “đổ quân” về khu Đông tìm kiếm cho mình một cơ hội mới như: Tập đoàn Vingroup, CTCP Đầu Tư Nam Long, Tập đoàn Bitexco, CTCP Tập đoàn MIK, Công ty TNHH Tổ chức Nhà quốc gia Khang Việt, CTCP Địa ốc Phú Long, CTCP Novaland, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, Capitaland, Keppel Land, Công ty TNR Holdings, CTCP SSG, CTCP Đầu tư Him Lam…
Lượng giao dịch bất động sản cũng nhiều hơn năm 2014.
Có thể thấy, từ những dữ liệu trên, nhìn chung thị trường bất động sản tại TP.HCM năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2014. Các chuyên gia kinh tế dự đoán những năm tiếp theo tình hình địa ốc sẽ khởi sắc hơn.