Bất động sản tồn kho 5 năm nữa chưa hết
Với số lượng hàng tồn kho bất động sản cả nước lên đến 70 ngàn căn hộ với giá trị ước tính 200 nghìn tỷ đồng thì phải mất 4-5 năm mới có thể tiêu thụ hết.
Thị trường BĐS phía Nam hiện có lượng tồn kho quá lớn, các DN đầu tư kinh doanh BĐS gặp khó khăn năm 2012 và tiếp tục khó khăn trong năm 2013.
Theo báo cáo từ quỹ Dragon Capital, con số hàng tồn kho căn hộ để bán lên đến 70 nghìn căn ở cả TP.HCM và Hà Nội chưa tính đến tồn biệt thự, liền kề, số tiền tồn kho ước tính 200 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng: Các thống kê chỉ là bề nổi vì chỉ tính ở báo cáo của DN A, chưa kể hàng tồn kho ở nhà đầu tư B, Ngân hàng C, sàn BĐS D và một số người thân của DN A là E để vay ngân hàng. Số hàng tồn kho thứ cấp này rất lớn có khi còn hơn hàng tồn kho của DN A nên tổng số hàng tồn kho phải cao gấp 2 hoặc 3 lần con số báo cáo. Hàng tồn kho của A, B, C, D và E phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để tiêu thụ. Hàng tồn kho chủ yếu là căn hộ trên 1 tỷ đồng nên rất khó bán, tôi tin những DN này phải giải quyết hàng tồn kho của mình trong 4 - 5 năm tới.
Hàng tồn kho căn hộ để bán lên đến 70 nghìn căn ở cả TP.HCM và Hà Nội chưa tính đến tồn biệt thự, liền kề, số tiền tồn kho ước tính 200 nghìn tỷ đồng.
Ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị chính sách cần thực hiện ngay là: Lãi suất cho vay tiếp tục giảm về mức 8 - 10%/năm. Nghiên cứu việc quy định các ngân hàng thương mại dành 3 - 5% tổng dư nợ hàng năm dành cho phát triển nhà ở xã hội. Phổ cập chủ trương với các ngân hàng thương mại về gói sản phẩm dành cho 4 nhà nhằm thúc đẩy các dự án BĐS dở dang thông qua việc cấp vốn trực tiếp cho nhà thầu, nhà cung ứng VLXD, nhà sản xuất... Sớm hình thành cơ quan tái cho vay thế chấp theo mô hình của Malaisia cung ứng nguồn vốn mới cho người mua nhà, đặc biệt các đối tượng thuộc diện chính sách và nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, ông Tổng thư ký Vnrea cũng đề xuất chính sách giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN đối với DN có lượng sản phẩm tồn liên quan đến BĐS và xây dựng lớn có xuất xứ sản xuất trong nước. Giãn tiến độ nộp hai loại thuế trên từ 6 - 12 tháng, không đánh thuế hai lần với mô hình quỹ đầu tư BĐS...
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng để thực hiện được Chỉ thị 01, 02 của Chính phủ cần phải có gói tín dụng lâu dài cho người mua BĐS. Mức lãi suất dành cho người tiêu dùng ở mức độ 7 - 8%. Đây đã là giải pháp tài chính do Chính phủ chỉ đạo và Ngân hàng đang thực hiện rồi. Đây là cơ hội để các DN tận dụng được nguồn vốn giảm dần lượng sản phẩm tồn kho trên thị trường, giúp cơ cấu lại nợ xấu. Tuy nhiên, tình hình tiếp cận vốn hiện nay, khoảng 20% dư nợ cho vay lãi suất trên 15%, phần lớn công ty BĐS đang phải chịu mức lãi suất đó. Việc tiếp cận vốn tín dụng kể cả cơ cấu lại lãi suất hoặc vay mới với lãi suất hợp lý đang là nhu cầu thực tế.
Mới đây, Thủ tướng cũng chỉ đạo ngân hàng vẫn là tổ chức cung câp tín dụng lớn nhất cho nền kinh tế, đặc biệt cho thị trường BĐS. Cần xác định ngân hàng – doanh nghiệp cùng chung một con thuyền cần hỗ trợ lẫn nhau. Ngân hàng có lãi suất tốt, điều kiện cho vay thuận lợi thì doanh nghiệp cũng phải đưa ra những dự án khả thi. Những dự án có nghiên cứu thị trường, đáp ứng nhu cầu người mua mà không bị dư thừa. Bên cạnh đó tôi kiến nghị cần có các nguồn cung cấp vốn mới như Quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tiết kiệm nhà ở... thị trường minh bạch cạnh tranh thu hút đầu tư từ nước ngoài. Thay đổi xu thế thu hẹp đầu tư vào BĐS trong điều kiện nước ta có thuận lợi là điểm đến nghỉ dưỡng cho người nước ngoài, mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.