Bất động sản tiếp tục phải cắt lỗ

Thị trường khó khăn, giá cả bất động sản sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục phải chấp nhận bán cắt lỗ để giải quyết bài toán hàng tồn kho và nợ xấu.

Nhà đất bán dưới giá thành

Tại TPHCM, thị trường trầm lắng kéo dài 3 năm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Năm 2012 giao dịch tiếp tục trầm lắng mặc dù một số doanh nghiệp đã chủ động giảm giá bán căn hộ, bán hòa vốn, bán lỗ có nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng nhưng không cải thiện được tình hình thị trường.

Hiện các chủ đầu tư đã dần chuyển hướng sang đầu tư các dự án chung cư căn hộ diện tích nhỏ có giá bán thấp vì vậy giao dịch thành công có khá hơn. So với cuối năm 2011 giá cả và giao dịch trong năm 2012 tiếp tục giảm giá. Cá biệt có dự án giảm giá 30% như Hoàng Anh River View giảm 28 triệu đồng/m2 – 18 triệu đồng/m2. Giá một số dự án chung cư diện tích nhỏ hiện đang được chào bán dưới 15 triệu đồng/m2 như căn hộ dự án Quang Thái giá 13,3 triệu đồng/m2, căn hộ diện tích nhỏ 63 m2 giá 870 triệu đồng/căn, căn hộ dự án Long Phụng Apart giá 11,5 triệu đồng/m2...

Bất động sản tiếp tục phải cắt lỗ - 1

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2013 mới thực sự là đáy của thị trường bất động sản.

Tại TP Hà Nội, trong năm 2012 giao dịch nhà ở thành công không nhiều nếu có thì chủ yếu tại nhưng dự án đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành, có diện tích trung bình nhỏ 60-90m2 giá 1-2 tỷ đồng/căn. Giá căn hộ chung cư cuối năm 2012 giảm 5-10% so với cuối năm. Trong đó giảm mạnh nhất quận Hà Đông, Thanh trì có những dự án giảm 20-30% do với cùng kỳ năm 2011 (các biệt có dự án giảm giá mạnh như chung cư VP 3 Linh Đàm giảm 31-32 xuống 25-26 triệu đồng/m2, tháng 11 giảm tiếp 23 triệu đồng/m2), dự án chung cư Đại Thanh giảm 15 triệu đồng/m2 xuống còn 10 triệu đồng/m2 đối với loại căn hộ nhỏ hơn 90m2. Giá đất nền giảm trung bình từ 15-20% so với cùng kỳ năm 2011. Ở những khu vực ngoại thành đã phát triển nóng 2010 như khu vực Đan Phượng, Hoài Đức giảm giá tới 28-35% so với cùng kỳ năm 2011 giảm tới 50% so với năm 2010.

Theo chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, hiện nay đang là thời điểm khó khăn nhất của thị trường nên các doanh nghiệp phải cắn răng bán lỗ để cắt lỗ để giải quyết bài toán hàng tồn kho và nợ xấu để bảo đảm uy tín thương hiệu nhằm tăng cường khả năng tồn tại…

Ông Châu kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước hết là sửa đổi ngay chính sách lãi suất cho vay quá cao hiện nay đang bóp chết doanh nghiệp và làm thất thu ngân sách. Chính sách tín dụng cần hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 6-8%/ năm trong thời hạn 20-30 năm cho người mua căn hộ đầu tiên hoặc đang ở chật hẹp (bình quân dưới 8 m2 / người). Bên cạnh cung cấp tín dụng cho người mua nhà thì ông Châu cho rằng cần cấp tín dụng cho doanh nghiệp để hoàn thiện công trình có khả năng tiêu thụ sản phẩm, cơ cấu lại nợ vay cũ và cho vay tiếp đối với các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Áp lực phát mãi nhà đất

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2013 mới thực sự là đáy của thị trường bất động sản. Bởi các ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát mại tài sản là bất động sản, các chủ đầu tư cũng buộc phải tiếp tục giảm giá bán.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, do kinh tế khó khăn, tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thị trường không có thanh khoản... việc ngân hàng phát mại tài sản bất động sản ở mức giá thấp không được thành công bởi nhiều yếu tố.

Đơn cử, nếu ngân hàng định giá tốt, ví dụ như nhà đất trị giá 15 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chỉ cho vay 7 - 8 tỷ đồng, thì mới có khả năng phát mại được giá. Trong trường hợp ngân hàng thẩm định không tốt hoặc vì có quan hệ mà cho vay đến 10-12 tỷ đồng chẳng hạn, thì người thế chấp sẵn sàng chấp nhận mất nhà. Khi đó, nếu bán được thì ngân hàng cũng phải chịu lỗ nhiều. Điều này cho thấy, rủi ro của ngân hàng là rất cao, vì có nhiều khu vực, bất động sản đã giảm giá 50%, thậm chí giảm đến 60% cũng rất khó bán.

Tuy nhiên, việc phát mãi tài sản của các ngân hàng cũng sẽ gây tác động lớn đến diễn biến về giá bán bất động sản khi mà đà giảm giá chưa có dấu hiệu ngừng. Việc “bán tháo” của các ngân hàng đã góp phần hình thành nên mặt bằng giá mới trên thị trường.

Theo nhận định ông Lý Văn Mạnh- Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Vương, mọi diễn biến thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc vào diễn biến kinh tế năm sau. Nếu tín dụng không nới lỏng, không có gì thay đổi thì thị trường không thể khởi sắc. Để cứu bất động sản cần có tiền tuy nhiên nguồn tiền thì không nhìn thấy đâu.

Những doanh nghiệp có thể trụ lại trong bối cảnh này sẽ chỉ là doanh nghiệp không chịu áp lực lãi vay ngân hàng hoặc có khoản vay không quá lớn. Diện mạo thị trường bất động sản luôn luôn phụ thuộc vào quá trình kiềm chế lạm phát như thế nào. Kiềm chế lạm phát bằng việc tác động đến lãi suất ngân hàng, giảm cung tiền ra thị trường nói chung, đặc biệt hãm cung tiền cho thị trường bất động sản.

Tác động của nó là làm cho thị trường bất động sản yếu vốn. Người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ không muốn đầu tư vào bất động sản dẫn đến giao dịch chậm. Nhà đầu tư càng khát vốn thì giảm giá tới mức có thể để thu tiền về. Vì vậy, giá bất động sản có thể xuống nhiều hơn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Đào (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN