Bất động sản sống dở chết dở, trách nhiệm của ai?

“BĐS sống dở chết dở thì trách nhiệm thuộc về ai? Nó thuộc nhà quản lý, vì anh cấp phép không trên cơ sở cung cầu thị trường, mà chỉ mang tính đầu cơ”.

ĐBQH Đoàn Hà Nội Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm tại phiên thảo luận tổ sáng 27/5 về 2 dự thảo Luật nhà ở và Luật kinh doanh BĐS sửa đổi.

Theo ĐBQH Nguyễn Minh Quang, Luật sửa đổi quy định mức vốn pháp định đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS lên tới 50 tỷ đồng là quá cao, gấp gần 9 lần mức quy định hiện hành (đang chỉ quy định với 6 tỷ đồng). Theo ĐB Quang, hiện Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nếu quy định như vậy sẽ loại bỏ phần lớn DN ra khỏi sân chơi. ĐB Quang kiến nghị vốn pháp định chỉ nên điều chỉnh tới mức 20 tỷ đồng là phù hợp.

Liên quan đến chuyển nhượng toàn bộ dự án, ngoài những quy định đưa ra trong dự thảo như dự án đó phải được phê duyệt, đã có GCN quyền sử dụng đất, ĐB Quang kiến nghị bổ sung thêm quy định dự án đó phải xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật mới được chuyển nhượng.

Bất động sản sống dở chết dở, trách nhiệm của ai? - 1

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền: BĐS khó khăn thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (Ảnh Nguyễn Dũng)

Một ĐB cũng đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS khác, ĐBQH Châu Thị Thu Nga cũng đồng tình với việc bỏ quy định các tổ chức kinh doanh BĐS phải qua sàn giao dịch, để không làm tăng thêm trung gian, tăng thêm chi phí. Ngoài ra ĐB Nga cũng đề nghị phương thức giao dịch giữa các tổ chức với nhau, hoặc giữa các hộ gia đình chỉ nên quy định thông qua kênh NHTM Việt Nam.

Đánh giá cao khi Luật sửa đổi lần này hướng đến mục tiêu phát triển NOXH, song ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, lĩnh vực quản lý chung cư rất cần được quan tâm. ĐB dẫn dụ ở Hà Nội có nhiều chung cư đã xây trên 50 năm, nhưng luật lại không quy định cải tạo thế nào, ai cải tạo, chế định thế nào?…

“Nhà ở xuống cấp nghiêm trọng. Người dân vẫn phải đi vệ sinh chung, nhưng vẫn chưa có chế định cụ thể. Luật sửa đổi lần này cần quy định rõ hơn” – ĐB An đề nghị và cho rằng, Luật sửa đổi phải lấy con người là chủ thể, nếu không nhà ở xã hội sản xuất ra khó bán và cũng khó mua.

Phó Chủ nhiệm UBTP – ĐBQH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật sửa đổi phải theo hướng tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, vì lĩnh vực này đang rất yếu.

“Những tồn tại bất cập trong lĩnh vực BĐS hiện nay nằm ở đâu? Nó nằm trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà ra chứ đâu. Trách nhiệm của nhà cấp phép không thấy đâu.

BĐS sống dở chết dở trách nhiệm thuộc về ai? Nó thuộc nhà quản lý chứ. Anh cấp phép không trên cơ sở cung cầu thị trường, mà chỉ mang tính đầu cơ. Vậy trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu? 2 Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS vắng bóng trách nhiệm quản lý nhà nước vốn đang rất yếu hiện nay”.

Ông Quyền phân tích và đề nghị trong luật kinh doanh BĐS phải có tiêu chí trong việc thay đổi quy hoạch đô thị, không thể phụ thuộc vào ý thức chủ quan của nhà quản lý.

Một lĩnh vực khác cũng được nhiều ĐB quan tâm là vấn đề nhà ở công vụ hiện nay. ĐB phản ánh tình trạng nhiều cán bộ dù đã thôi công tác nhưng lại không trả lại nhà. Do vậy Luật nhà ở sửa đổi cần quy định rõ đối tượng nào thì được cấp nhà ở công vụ, khi đã nghỉ hưu thì sau bao lâu phải trả lại nhà, trả cho ai, trả như thế nào?

Theo ĐBQH Chu Sơn Hà phản ánh, hiện còn có tình trạng người được cấp nhà thôi công tác, nhưng lại chuyển cho con cháu, hoặc chuyển đổi ngầm, cho thuê lại để hưởng lợi.

Theo ĐB vấn đề này không loại trừ trường hợp nể nang, nên người kế nhiệm không dám đòi lại nhà. Để giải quyết việc này, theo ĐB Hà nên thành lập một công ty có nhiệm vụ cho thuê nhà công vụ. Như vậy khi người cán bộ đó thôi đương chức, hoặc chuyển công tác thì DN đó sẵn sàng đòi lại nhà mà không phải nể nang gì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Nam (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN