Bất động sản Hà Nội: Mỹ Đình trỗi dậy
Mỹ Đình Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ từ những cánh đồng lúa, ruộng rau bên những ngôi làng truyền thống thành một trung tâm đô thị mới với những tổ hợp bất động sản hoành tráng.
Không ít người tỏ ra băn khoăn, khi Indochina Land lên kế hoạch đầu tư tổ hợp bất động sản cao cấp Indochina Plaza Hanoi hơn ba năm trước tại ngã tư đường Phạm Hùng và Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lúc đó, hầu như mọi người đều nghĩ rằng, xây căn hộ cao cấp để bán với giá 50-60 triệu đồng/m2 ở khu vực này là điều không tưởng, vì chỉ có những dự án với vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố như: Vincom Park Place hay Pacific Place mới dám định vị ở mức giá đó. Thậm chí, có người đặt nghi vấn, ai dại gì di chuyển từ trung tâm thành phố ra một khu vực vốn được coi là ven đô để mua căn hộ cao cấp chứ chưa nói đến đặt văn phòng công ty hay mở trung tâm thương mại?
Nhưng Peter Ryder - Tổng giám đốc Indochina Land - lại nghĩ khác. Đáp lại những nghi ngờ, ông vẽ ra một viễn cảnh là trong tương lai không xa, thay vì di chuyển từ huyện Từ Liêm hay quận Cầu Giấy vào trung tâm thành phố, thì không ít người sẽ phải di chuyển từ trung tâm thành phố ra hai quận huyện này để làm việc. Có vẻ như nhận định này không hợp thời vì lúc đó các tòa cao ốc văn phòng, các khách sạn 5 sao và trụ sở các cơ quan Trung ương vẫn đóng đô ở quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Nhưng giờ thì tầm nhìn của Peter Ryder đang dần trở thành hiện thực khi một trung tâm hành chính - đô thị mới đang dần hình thành ở Mỹ Đình.
Hành chính kích bất động sản
Trong tâm thức của đa phần người Hà Nội, Mỹ Đình vẫn chỉ là một xã vùng ven mà ít khi họ đặt chân đến. Hầu như không có ai nghĩ Mỹ Đình lại có thể là một cực quan trọng, một trung tâm hành chính - đô thị mới của Thủ đô. Thậm chí năm 2008, sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội và trụ sở một số bộ ngành đang được xây dựng ở Mỹ Đình, thì Hà Nội lại rộ lên tin đồn sẽ chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, chứ chẳng mấy người chú ý đến Mỹ Đình. Nhưng thực tế, một trung tâm hành chính mới đã và đang hình thành trên dải đất nằm ven hai trục đường Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến và Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo mà giới đầu tư bất động sản gọi chung là Mỹ Đình.
Diện mạo đô thị của Mỹ Đình đã thay đổi nhanh chóng kể từ khi Khu liên hợp thể thao quốc gia được xây dựng để phục vụ Sea Games 2003 và tiếp đó là Trung tâm Hội nghị quốc gia. Cho đến lúc này, trụ sở một số bộ ngành quan trọng cũng đã được chuyển ra Mỹ Đình. Bộ Công an xây dựng một "cơ ngơi" hiện đại và hoành tráng trên đường Phạm Văn Đồng. Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên - Môi trường đều nằm trong khu đô thị mới Cầu Giấy. Trụ sở của Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã xây dựng xong, còn trụ sở của Bộ Ngoại giao đã xây dựng xong phần móng trên cùng một trục đường Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long. Sắp tới, trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng cũng sẽ được chuyển về khu vực này. Những cánh đồng lúa và ruộng rau nay đang nhường chỗ cho một trung tâm hành chính mới...
Giá trị bất động sản ở Mỹ Đình cũng tăng vùn vụt trong những năm gần đây. Hơn 5 năm về trước, trong các cuộc đấu giá đất ở Mỹ Đình, không ít người ngạc nhiên về mức trúng giá lên đến 70-80 triệu đồng/m2. Nhưng giờ đây, họ có thể còn ngạc nhiên hơn khi giá đất dọc theo các con đường lớn ở khu vực này lên tới 200 - 400 triệu đồng/m2. Các nhà liền kề và biệt thự đều có giá trên triệu đô la Mỹ. Giá căn hộ có rẻ thì cũng trên 30 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án như: Habico Tower và D.’Palais de Louis, giá chào bán căn hộ lên đến hơn 100 triệu đồng/m2. Giá bất động sản ở Mỹ Đình hiện thuộc vào hàng đắt nhất Thủ đô.
Diện mạo khu đô thị Mỹ Đình đã thay đổi nhanh chóng
Khủng hoảng thừa
Không riêng gì Peter Ryder mà các nhà đầu tư bất động sản có tầm nhìn đều đổ xô về Mỹ Đình, cố gắng giành được mảnh đất để xây dựng các tổ hợp bất động sản lớn như: Grand Plaza, Keangnam, The Manor, Dolphin Plaza, Mandarin Garden, Thăng Long Number One, Times Square. Riêng về khách sạn, ngoài khách sạn Crowne Plaza, Grand Plaza đã đi vào hoạt động với gần 1.000 phòng thì trong vòng một năm tới, khu vực này sẽ có thêm 2 khách sạn 5 sao nữa là JW Marriott và InterContinental, cung cấp thêm hơn 800 phòng. Số lượng phòng khách sạn ở Mỹ Đình hình thành trong mấy năm gần tương đương với tổng số phòng khách sạn 5 sao hình thành ở Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Ba Đình trong 15 năm qua.
Giá thuê văn phòng ở Mỹ Đình Do cạnh tranh khốc liệt mà giá thuê văn phòng ở Mỹ Đình hiện chỉ bằng 50-75% so với giá thuê ở khu vực trung tâm thành phố. |
Các tòa nhà văn phòng lớn cũng đã đi vào hoạt động như Keangnam Landmark 72 cung cấp 100.000m2, Grand Plaza 54.000m2 và sắp tới là một loạt các tổ hợp văn phòng lớn có diện tích từ 20.000 - 40.000m2 sẽ được đưa vào sử dụng như HUD Tower, Handico Tower, PVI Tower. Riêng khu đô thị mới Cầu Giấy cũng có gần 20 tòa nhà văn phòng cho thuê với diện tích mỗi tòa từ 5.000 - 15.000m2. Nguồn cung văn phòng cho thuê trong vài ba năm tới tại Mỹ Đình thậm chí còn lớn hơn cả diện tích văn phòng cho thuê tại các khu vực còn lại ở Hà Nội cộng lại.
Các trung tâm thương mại mới cũng đã hình thành, trong đó, riêng trục Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng đã có tới 5 trung tâm thương mại lớn. Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và chính sách thắt chặt tín dụng trong gần 2 năm qua khiến cho không ít các dự án bất động sản ở Mỹ Đình phải dừng triển khai, nhưng do nguồn cung đã quá lớn nên đã xảy ra tình trạng thừa văn phòng cho thuê.
Do cạnh tranh khốc liệt mà giá thuê văn phòng ở Mỹ Đình đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ 15-10 USD/m2 cho cao ốc loại B và C và 20 - 30 USD/m2 cho cao ốc loại A, tức là chỉ bằng 50-75% so với giá thuê ở khu vực trung tâm thành phố. Nhờ mức giá hấp dẫn và hạ tầng hiện đại nên không ít các tập đoàn lớn như: LG Electronics, Samsung, KPMG, Standard Chartered Bank đã chuyển trụ sở từ trung tâm thành phố ra Mỹ Đình. Bản thân Công ty Indochina Capital của Peter Ryder cũng chuyển từ phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm về tổ hợp Indochina Plaza Hanoi. Sự dịch chuyển của các văn phòng làm việc cũng đồng nghĩa với việc không ít người sẽ phải di chuyển từ trung tâm ra Mỹ Đình để làm việc. Tầm nhìn của Peter Ryder đang dần hiện thực hóa: khi lượng người chuyển về đây làm việc ngày càng đông hơn thì nhu cầu nhà ở sẽ tăng theo, giá trị bất động sản cũng tăng lên. Vì thế, Peter Ryder tỏ ra rất tự tin có thể nhanh chóng bán nốt hơn 20% còn lại trong tổng số 386 căn hộ của dự án Indochina Plaza Hanoi trong năm nay, dù thị trường bất động sản vẫn khó khăn. Sự tự tin này vẫn cần có thời gian để kiểm chứng, nhưng thực tế đã chứng minh: khi Keangnam bán 922 căn hộ với giá 2.500 - 3.000USD/m2 hơn 3 năm về trước thì nhiều người nghĩ là mức giá hoang tưởng. Nhưng khi hai tòa tháp căn hộ đi vào hoạt động đầu năm ngoái, ít ai biết rằng, hầu như số căn hộ tại đây đã được bán hết.