Bảo hiểm thất nghiệp: Giảm cho doanh nghiệp, “quên” người lao động

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho doanh nghiệp (DN) từ 1% lương tháng xuống 0,5% lương tháng. Nhưng bộ này không nhắc gì tới giảm mức đóng cho người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh giảm mức đóng Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động. Theo đó, đơn vị soạn thảo đề xuất giảm mức đóng của DN xuống 0,5% lương tháng. Nếu được Quốc hội thông qua, mức đóng mới sẽ giúp DN tiết kiệm 3.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, mức giảm đóng góp trên chỉ áp dụng với DN, còn người lao động không được giảm. Người lao động hằng tháng vẫn phải đóng 1% lương vào Quỹ BHTN.

Lý giải điều này, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc giảm mức đóng bảo hiểm trên nhằm hỗ trợ DN. Qua đó, giúp DN giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Theo ông Diệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới thực hiện 8 năm, các nghiên cứu, dự báo chưa nhiều.

Bảo hiểm thất nghiệp: Giảm cho doanh nghiệp, “quên” người lao động - 1

Do đó, để đảm bảo an toàn Quỹ BHTN, việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ nên áp dụng với người sử dụng lao động, theo lộ trình nhất định. Sau đó, sẽ tiếp tục đánh giá, nghiên cứu để có thể áp dụng được với người lao động (tùy thuộc độ an toàn của quỹ).

Ngoài ra, việc giảm mức đóng với DN là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nên chưa xem xét tới giảm mức đóng cho người lao động. Ngoài ra, chi phí cho lao động của DN giảm sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm việc làm.

“Hiện DN Việt Nam phải đóng khoảng 34% quỹ lương cho Bảo hiểm Xã hội; phí công đoàn. Đây là mức đóng cao nhất trong khu vực ASEAN. Việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cần được thực hiện sớm để tạo điều kiện cho DN bớt khó khăn”, ông Diệp lý giải.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, khi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông cũng có ý kiến về đề xuất này.

“Đề xuất chỉ giảm cho DN mà không giảm mức đóng cho người lao động là chưa bình đẳng, vì quỹ do DN và người lao động đóng góp như nhau (mỗi bên đóng góp 1% - PV), kết dư quỹ cũng từ đóng góp đó. Giờ nói Quỹ BHTN đã kết dư nên giảm cho DN mà không giảm cho người lao động là chưa bình đẳng, chưa công bằng”, ông Quảng nói.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016, Quỹ BHTN thu hơn 11.700 tỷ đồng, chi trả hơn 5.700 tỷ đồng, và hiện còn kết dư 58.668 tỷ đồng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN