Bảo hiểm hàng không điêu đứng vì máy bay rơi
Liên tiếp những thảm họa máy bay ập đến, không chỉ khiến các hãng hàng không điêu đứng mà cả các hãng bảo hiểm cũng chịu chung số phận.
Bồi thường hơn 2 tỷ USD
Sau những thảm họa máy bay liên tiếp: Hai chuyến bay MH370 và MH17 của Malaysia Airlines, GE222 của TransAsia Airways, Đài Loan và mới đây nhất là chuyến AH5017 của Air Algerie, ngành Bảo hiểm hàng không thế giới đang điêu đứng trước khoản bồi thường lên đến hơn 2 tỷ USD…
Riêng với hai thảm họa của Malaysia Airlines, trong vụ MH370, các công ty tham gia bảo hiểm MH370 phải chia nhau chi phí bồi thường, dù nguyên nhân sự việc vẫn chưa sáng tỏ. Với thảm họa MH17 bị bắn rơi tại Ukraine, quyết định bồi thường từ các công ty bảo hiểm còn phụ thuộc vào việc máy bay này rơi có phải do hành động thù địch hay không.
Ngân hàng Barclays cho biết: “Nếu thông tin MH17 bị bắn hạ được xác nhận thì tổn thất này sẽ đục thêm một lỗ hổng mới vào thị trường bảo hiểm hàng không liên quan đến chiến tranh, vốn bị thiệt hại nhiều trong thời gian qua”.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, chi phí cho các thiệt hại hàng không do chiến sự trong năm nay sẽ tăng cao vì các cuộc xung đột ở Syria, Trung Đông, Libya và nhiều vùng khác. Chẳng hạn, căng thẳng bất ổn chính trị gần sân bay Tripoli của Lybia từng phá hủy 20 máy bay đã gây thiệt hại từ 200 triệu USD đến 400 triệu USD.
Theo tờ New York Times, chỉ tính riêng bảo hiểm “nguy cơ chiến tranh” - loại bồi thường thiệt hại do các hành vi thù địch gây nên, chi phí trả bảo hiểm này đã lên tới 600 triệu USD trong vòng 5 tháng vừa qua và dự kiến còn tiếp tục tăng. Trong khi, doanh thu bảo hiểm mỗi năm của các công ty cung cấp loại hình bảo hiểm chiến tranh, bao gồm hãng Lloyd trên thị trường London, chỉ ở mức 65 triệu USD.
Bốn thảm họa máy bay lớn liên tiếp xảy đến với ngành hàng không thế giới
Tăng phí... để bù lỗ
Để bù lỗ, ngành Bảo hiểm hàng không bắt buộc phải tăng giá gấp ba lần đối với tất cả các chính sách. Như vậy, năm 2014 khả năng sẽ trở thành năm giá bảo hiểm đắt nhất kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9.
Một số công ty bảo hiểm mới đây yêu cầu các hãng hàng không cung cấp thông tin cụ thể về đường bay và đang cân nhắc rút hoàn toàn một vài dịch vụ bảo hiểm đối với các chuyến bay qua các điểm nóng chiến sự tại Trung Đông và nhiều nơi ở châu Phi.
Mặc dù, máy bay MH370 của Malaysia Airlines vẫn chưa tìm thấy, nhưng hãng bảo hiểm Lloyd đã bắt đầu trả tiền bồi thường, ước tính khoảng hơn 100 triệu USD. Hiện nay, Lloyd và các hãng thành viên đang theo dõi sát sao những diễn biến xung quanh việc định vị chiếc MH370. Nếu chiếc máy bay này biến mất không vì tấn công khủng bố, Lloyd xác định sẽ phải trả thêm 20% chi phí tìm kiếm máy bay. |
Nếu các điều khoản bảo hiểm chiến tranh bị thay đổi, các hãng hàng không phải chịu tổn thất nhiều nhất vì những chính sách này có thể được thay đổi hoặc hủy bỏ sau bảy ngày thông báo.
Cụ thể, hãng hàng không như Malaysia Airlines tới đây sẽ phải đối mặt với chi phí bảo hiểm tăng cao hơn mức trung bình, đặc biệt khi thảm họa MH17 ập tới chưa đầy 4 tháng sau vụ máy bay MH370 mất tích.
Tuy nhiên, dù muốn hay không, các hãng hàng hàng không trên thế giới bắt buộc phải mua bảo hiểm. Ông Neil Smith - người đứng đầu Hiệp hội thị trường của hãng bảo hiểm Lloyd có trụ sở tại London cho biết, nhiều hãng cho thuê máy bay và các hợp đồng khác trong ngành Hàng không yêu cầu các hãng hàng không phải mua bảo hiểm. Do vậy, thua lỗ vẫn phải mua bảo hiểm. “Nếu không mua, các hãng này không thể cho máy bay cất cánh”.
Các hãng hàng không thường mua rất nhiều loại bảo hiểm nhưng loại “tất cả nguy cơ” là quan trọng nhất. Loại này sẽ giúp trang trải chi phí khiếu nại, tiền bồi thường cho hành khách, chi phí pháp lý, thiệt hại đối với máy bay không phải do những hành vi thù địch gây ra. Với loại bảo hiểm này, các hãng hàng không thường trả tiền gấp nhiều lần các loại khác - đặc biệt, đối với các hãng hàng không lớn, số tiền này tăng lên hàng triệu USD.