Bao giờ lãi suất cho vay giảm?

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngân hàng lãi lớn nhưng doanh nghiệp vẫn khó giảm chi phí vay vốn vì lãi suất chủ yếu giảm ở các lĩnh vực ưu tiên

Những ngày đầu năm 2018, khối ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt báo lợi nhuận năm 2017 rất tốt, tăng gấp nhiều lần những năm trước, các chỉ số vĩ mô liên quan khác như lạm phát của nền kinh tế, thanh khoản của hệ thống đều hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đặt câu hỏi "vì sao lãi suất cho vay vẫn chưa giảm?".

Ngân hàng nhỏ dè dặt

Từ ngày 10-1, các NH lớn trong khối NHTM nhà nước đồng loạt giảm lãi suất cho vay với mức 0,5% ở các lĩnh vực ưu tiên, đưa mặt bằng lãi suất cho vay của lĩnh vực này xuống mức tối đa 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7,5%/năm nếu vay trung và dài hạn. Tiếp theo đó, lác đác có NH ngoài quốc doanh cũng tuyên bố giảm lãi suất từ 0,5%-1% cho DN nhỏ và vừa cũng thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Bao giờ lãi suất cho vay giảm? - 1

Doanh nghiệp vẫn mong lãi suất cho vay giảm để bớt chi phí vay vốn và tăng tính cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tấn Thạnh

Sau đó, NH Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 5% còn 4,75% sau gần năm duy trì. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cũng giảm 12% giá sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng trên tất cả sản phẩm, dịch vụ. Để đánh giá, xếp hạng khách hàng, tổ chức vay vốn, các tổ chức tín dụng bắt buộc phải khai thác thông tin từ CIC nên việc giảm giá nói trên sẽ tác động tích cực đến giảm lãi suất.

Nhưng thực tế, thị trường vẫn dè dặt với làn sóng giảm lãi suất mà các NHTM nhà nước đang muốn dẫn dắt. "Theo tôi được biết, các NH vừa và nhỏ rất muốn thực hiện chủ trương giảm lãi suất nhưng khó lắm. Các NH lớn giảm được vì họ có thanh khoản tốt, số còn lại thanh khoản rất căng. Hiện nay, biên lợi nhuận (NIM) của một số NH rất mỏng, chỉ 2%-2,5%, trong khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới khuyến cáo hệ số NIM phải đạt ít nhất là 3,5% mới bảo đảm cho hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh. Muốn giảm lãi suất đầu ra phải giảm được lãi suất huy động. Lãi suất huy động chênh 0,25% là khách hàng nhấp nhổm. Chênh đến 0,5% khách hàng đi ngay, còn chênh đến 0,75% thì các NH nhỏ không còn cách nào giữ chân họ. Thanh khoản của các NH trung và nhỏ rất căng" - chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Theo các chuyên gia, lợi thế tự nhiên của các NHTM nhà nước là một yếu tố khiến các NH ngoài quốc doanh bất lợi trong nỗ lực giữ chân khách hàng trung thành.

Cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi khẳng định khả năng giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay là rất khó vì còn vướng các kênh đầu tư khác. Nếu lãi suất huy động không còn hấp dẫn, tiền sẽ chảy sang kênh chứng khoán, bất động sản đang khởi sắc, ảnh hưởng ngay đến thanh khoản. Hơn nữa, các vụ án kinh tế lớn trong thời gian gần đây đều liên quan đến NH cũng ảnh hưởng đến vốn huy động của cả hệ thống. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng lên đến hơn 19%, trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 17%.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, điều hành lãi suất không thể nói giảm là giảm ngay được, trong bối cảnh này rất cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Thiết thực nhất là NH Nhà nước xem xét giảm 0,25%-0,5% lãi suất điều hành giúp các NHTM có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ qua thị trường mở, từ đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Cùng quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết nếu NH Nhà nước giảm 0,5% lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất tái cấp vốn chiết khấu, thì các NH trung và nhỏ có thể giảm ngay được lãi suất. Kỳ vọng sự điều chỉnh này diễn ra ngay sau Tết nguyên đán, khi thanh khoản dịu đi.

Ông Nguyễn Trí Hiếu tính toán NIM vẫn duy trì ở mức tối đa 2,5% như hiện nay, nếu lãi suất cho vay giảm đồng đều 0,5%/năm cho tất cả khoản vay thì lợi nhuận các NH có thể giảm khoảng 30%. Nhưng nếu chỉ giảm với các đối tượng ưu tiên thì lợi nhuận NH không bị ảnh hưởng nhiều. 

DN vẫn phụ thuộc vào NH

Năm 2017, tổng dư nợ của nền kinh tế là hơn 6 triệu tỉ đồng, bằng khoảng 120% GDP. Trong đó, khối NHTM quốc doanh chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng và một nửa trong số đó là cho vay lĩnh vực ưu tiên. Cơ cấu thị trường tài chính đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống tín dụng, tăng cường vai trò của thị trường vốn trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Cụ thể, tỉ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn tăng từ 21,6% năm 2012 lên 35,4% năm 2017, trong khi tỉ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống tín dụng giảm từ 78,4% xuống 64,6% trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, khu vực DN nhỏ và vừa vẫn chủ yếu phải dựa vào vốn vay NH. Theo tính toán, với mức giảm lãi suất 0,5%/năm với lĩnh vực ưu tiên, DN đã có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng lãi vay. Do đó, việc giảm lãi suất là rất quan trọng đối với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN