Bao giờ bơm tiền cứu bất động sản ?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ bơm khoảng 20-40 nghìn tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, ưu tiên các dự án nhà ở xã hội, người thu nhập thấp vay mua nhà. Nhưng đến giờ, 4 ngân hàng lớn vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể của gói tín dụng này, vì phải chờ hướng dẫn.

Bốn ngân hàng sẽ bơm vốn

Theo chỉ đạo hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ, tại cuộc họp giữa lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội và TPHCM, dự tính NHNN sẽ giao cho 4 ngân hàng thương mại gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank tiến hành xây dựng đề án thực hiện trước gói tín dụng này.

Chiều qua, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết: “Khi nào có Nghị quyết của Chính phủ thì NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho dự án nhà ở xã hội, người thu nhập thấp vay mua nhà. Tuy nhiên, phải chờ làm việc với Bộ Xây dựng mới lên được kế hoạch cho vay cụ thể”.

Trước đó, Ngân hàng BIDV đã khá xông xáo khi dành gói 30.000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013 – 2015 của Bộ Xây dựng. Nhưng gói tín dụng này nằm ngoài chương trình hỗ trợ bất động sản của Chính phủ.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở thương mại (diện tích căn hộ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) được vay tổng số vốn 10.500 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm, lãi suất tương đương lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Ngân hàng còn dành 19.500 tỷ đồng cho người mua nhà vay, hạn mức vay tối đa là 85%/giá trị căn nhà, thời hạn 15 năm. Lãi suất vay thấp hơn 10%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của tổ chức tín dụng. Nếu được nhà nước hỗ trợ, ngân hàng có thể hạ lãi suất.

Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết: “Ngân hàng đang làm việc với các chủ đầu tư, nên chưa thể thông tin được”.

Mặc dù không tiết lộ thông tin cụ thể, nhưng lãnh đạo các ngân hàng khác đều trong trạng thái “đang chờ hướng dẫn của NHNN để triển khai chương trình”.

Theo vị lãnh đạo của Vụ Tín dụng (NHNN), hiện nay, NHNN đang chờ làm việc với Bộ Xây dựng, từ đó, các ngân hàng thương mại mới có kế hoạch, lộ trình cho vay cụ thể với từng dự án, đối tượng vay.

Riêng chương trình cấp tín dụng 30.000 tỷ đồng của BIDV, sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, nếu xét thấy các điều kiện, đối tượng cho vay phù hợp thì ngân hàng sẽ được hưởng các ưu đãi của chương trình tín dụng cho nhà ở xã hội.

Bao giờ bơm tiền cứu bất động sản ? - 1
Nhà TNT chờ được tiếp vốn ưu đãi để khơi thông thị trường (ảnh chụp tại khu nhà TNT Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội).

Không dễ “lọt vào” ưu đãi

Trên thực tế, không phải đến nay khi có chủ trương của Chính phủ ngân hàng mới cho vay ưu đãi xây nhà ở xã hội.

Từ tháng 5-2012, BIDV và Bộ Xây dựng đã ký một thoả thuận, theo đó BIDV dành gói tín dụng cho doanh nghiệp vay ưu đãi để đầu tư nhà ở xã hội và nhà ở công nhân tại đô thị. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này không dễ, bởi điều kiện đưa ra còn khắt khe hơn cả vay thương mại.

Một doanh nghiệp chuyên làm nhà thu nhập thấp (TNT) phân tích: “Với gói hỗ trợ 2.000 tỷ đồng của BIDV ký với Bộ Xây dựng được nửa năm nhưng đến nay chỉ giải ngân được 300 tỷ đồng.

Nguyên nhân giải ngân chậm bởi chưa được NHNN bật đèn xanh, BIDV vẫn xét điều kiện cho vay nhà TNT như vay thương mại. Hiện nay, chủ đầu tư làm nhà TNT đều triển khai nhiều dự án khác mà hầu hết các dự án đều trong tình trạng nợ quá hạn khiến họ không đủ điều kiện vay nhà TNT.

Thêm nữa, đầu ra của TNT khó hơn nhà ở thương mại bởi ràng buộc danh sách được phê duyệt của địa phương, 10 năm mới được chuyển đổi... cũng khiến ngân hàng dè chừng”.

Một doanh nghiệp đang làm nhà TNT ở Hà Nội xin giấu tên cho biết: “Chính sách vốn cho nhà TNT đề ra nhưng dự án nhà TNT bên tôi đến nay gần hoàn thành mà chưa vay được đồng nào.

Làm nhà TNT chúng tôi không được thế chấp bằng chính dự án mà bằng tài sản của doanh nghiệp đã là một điều kiện bất lợi hơn so với điều kiện vay thương mại. Thêm nữa, việc thẩm tra, xét duyệt, giải ngân còn tùy vào mối quan hệ của chủ đầu tư với ngân hàng thế nào”.

Ông Nguyễn Văn Đa - Phó Giám đốc Cty Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư nhà TNT Kiến Hưng cho biết: Chúng tôi được BIDV cho vay 50 tỷ đồng để làm dự án nhà TNT tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Hiện chúng tôi mới được giải ngân khoảng 30 tỷ đồng.

Theo ông Đa, sở dĩ dự án nhà TNT tại Vĩnh Yên vay được của BIDV bởi thông qua chương trình của Bộ Xây dựng đứng ra bảo lãnh. “Tuy nhiên, để được vay phải trải qua quá trình thẩm định dự án còn khắt khe hơn nhà thương mại, rất phức tạp”.

Bởi thế, để tránh tù mù, các doanh nghiệp đề xuất NHNN cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện và tiêu chuẩn vay rõ ràng của gói tín dụng này, công khai để doanh nghiệp biết. Như thế mới tạo sự minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực trong quá trình ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng - Ngọc Mai (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN