Báo cáo Thị trường bất động sản: Bộ im lặng, hiệp hội 'dội bom'
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) thường xuyên đưa ra báo cáo thị trường bất động sản trên cả nước từng tháng, quý với tính chất dẫn dắt thị trường nhưng luôn kèm theo khuyến cáo “không chịu trách nhiệm tính chính xác của thông tin”. Việc đưa ra báo cáo dầy đặc trong khi Bộ Xây dựng là đơn vị được giao chịu trách nhiệm công bố chưa một lần đưa thông tin chính thức khiến thị trường bất động sản (BĐS) “đói” thông tin xác thực.
Quy định rồi để đó
Mất nhiều năm, Bộ Xây dựng mới hoàn thành nghiên cứu, soạn thảo để Chính phủ đưa ra Nghị định 117 (12/11/2015) về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (có hiệu lực từ 1/1/2016). Và phải mất gần một năm, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư 27 (15/12/2016) hướng dẫn thực hiện Nghị định 117. Theo thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2017 này, tất cả các thông tin về dự án được khởi công, dự án hoàn thành trong năm, số lượng giao dịch qua sàn, tổng giao dịch thành công, số lượng tồn kho… được Bộ Xây dựng tổng hợp để phục vụ cho việc công bố thông tin.
Trong thông tư quy định rõ: Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; Là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các thông tin về nhà ở và thị trường BĐS do các bộ, ngành, địa phương báo cáo, cung cấp và chuyển Viện Kinh tế xây dựng xử lý, tính toán, cập nhật thông tin, dữ liệu; Cấp quyền truy cập, cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường BĐS phục vụ việc công bố của Bộ Xây dựng; Phối hợp với Trung tâm Thông tin xây dựng quy chế quản lý, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Báo cáo về thị trường bất động sản của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có nội dung không rõ ràng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Xây dựng chưa công bố thông tin về thị trường BĐS trên cả nước theo như quy định. Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, thống kê về thị trường BĐS của Bộ Xây dựng đang phục vụ cho việc báo cáo Chính phủ để họp tổng kết 6 tháng đầu năm của bộ. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có cái nhìn đánh giá về thị trường để có những chính sách điều chỉnh cho phù hợp. Hiện, việc công bố trên web của Bộ Xây dựng chưa thực hiện được nhưng khi thị trường có những thông tin không đúng, Bộ Xây dựng sẽ có khuyến cáo ngay.
Thực tế hiện nay, người mua nhà vẫn dựa trên các báo cáo từ các hiệp hội, đơn vị tư vấn để lựa chọn mua nhà.
VnRea là sân sau, PR cho các dự án BĐS?
Theo báo cáo mới nhất của VnRea trong tháng 4/2017, ngoài nhận định hiện tượng tăng giá bán ở một số dự án và giao dịch thành công tăng ở cả 2 thị trường TPHCM và Hà Nội, VnRea nhấn mạnh về đất nền Đông Anh (Hà Nội). Theo đó, trong báo cáo này, tính đến tháng 4/2017, đất nền Đông Anh tăng mạnh nhất ở các lô mặt đường (từ 60 đến 70%). Các lô đất trong làng có mức tăng thấp hơn, dao động 15- 20%. Tuy nhiên, thực tế, hiện tượng tăng giá này chỉ do “cò” đất thổi còn giao dịch thành công ít. Theo một số chuyên gia, sở dĩ VnRea đưa thông tin mạnh về thị trường đất nền Đông Anh bởi một số doanh nghiệp đang chuẩn bị triển khai dự án tại đây. Cụ thể: Dự án cầu Tứ Liên (khởi động từ năm 2010 - kết nối Đông Hội, Xuân Canh với nội đô Hà Nội); Dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài doTập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hợp tác đầu tư… Dù đưa ra rất nhiều con số nhưng chính trong báo cáo này, VnRea lại khuyến cáo“không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với tính chính xác của những thông tin được đề cập trong báo cáo”.
Không chỉ đưa ra những nhận định về thị trường BĐS, năm 2016, khi cơ quan chức năng nhận thấy thị trường BĐS đang có dấu hiệu bong bóng và siết tín dụng BĐS, ngay lập tức VnRea gửi công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước không siết tín dụng. Chủ tịch VnRea là ông Nguyễn Trần Nam trả lời báo chí lúc đó với giọng điệu hùng hồn: “Chúng ta đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS, gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp và của người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô. Dẫn tới tăng dự án dở dang, tăng lượng hàng tồn kho, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS... và đặc biệt là giảm cơ hội mua nhà chính đáng của người dân”.
Đây không phải lần đầu ông Nam lên tiếng về tín dụng BĐS trong vai Chủ tịch VnRea. Năm 2011, khi vừa làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiêm chủ tịch VnRea, ông Nam đã nhiều lần kêu nới tín dụng cho thị trường BĐS. Thời kỳ này không ít người thắc mắc về vai trò của ông Nam khi “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Sau khi nghỉ hưu, ông Nam tiếp tục giữ chức Chủ tịch VnRea thêm nhiệm kỳ (2016 - 2021). Cũng nhiệm kỳ này, nhiều lãnh đạo của Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội về hưu đều về VnRea làm lãnh đạo. Ông Nguyễn Văn Khôi (nguyên Phó Chủ tịch UBND Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS- Bộ Xây dựng). Thậm chí, đại diện doanh nghiệp cũng tham gia vào ban lãnh đạo Hiệp hội như: ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group cũng giữ chức Phó Chủ tịch VnRea.
Vì vậy, nói như một doanh nghiệp địa ốc: “Hiệp hội chỉ phục vụ kêu gọi chính sách cho một số doanh nghiệp thân quen, là sân sau của một vài dự án chứ không vì mục tiêu chung cho phát triển minh bạch thị trường”.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Cen Group cho hay, thị trường BĐS Việt Nam luôn ở trong tình trạng “đói” thông tin, nên thường bị những thông tin “không chính thức” bủa vây. Hệ quả là người mua nhà chỉ nắm thông tin mù mờ, đầu tư theo trào lưu, gây nên những “cơn sốt ảo”... |