Bao bọc doanh nghiệp lớn sẽ hạn chế cạnh tranh

Sự kiện: Kinh Doanh

Trao đổi với Tiền Phong, ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu cứ bao bọc doanh nghiệp (DN) lớn sẽ hạn chế cạnh tranh; cần khám tổng thể “sức khỏe” DN tư nhân Việt Nam, xem quy mô, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, lợi nhuận thế nào…từ đó có hỗ trợ phù hợp.

Chuyển biến, nhưng vẫn nhiều rào cản

Theo ông Tuấn, cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dịp 30/4 năm 2016 là một dấu mốc quan trọng với sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là khối DN nhỏ. Cuộc gặp này khẳng định một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về nỗ lực, hành động, định hướng hỗ trợ DN Việt Nam.

Ngay sau đó, Chính phủ đã có “sản phẩm” cụ thể- Nghị quyết 35 về phát triển DN đến năm 2020, một nghị quyết cởi mở, giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện những công việc cụ thể về hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Và sau Nghị quyết 35 một thời gian ngắn, các bộ ngành đã quyết liệt rà soát hàng nghìn điều kiện kinh doanh quy định ở cấp thông tư, và ban hành gần 50 nghị định để thay thế (từ 1/7/2016, theo Luật DN và Luật Ðầu tư)- điều ít người nghĩ rằng làm được, khi trước đó các bộ lừng khừng, chưa thực hiện nghiêm túc.

Bao bọc doanh nghiệp lớn sẽ hạn chế cạnh tranh - 1

DN nhỏ và vừa cần tạo được hỗ trợ thiết thực hơn, giúp họ gia nhập, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Cũng trên tinh thần đó, nhiều bộ cũng thay đổi cách thức quản lý nhà nước, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ðơn cử như Bộ Công Thương đã bỏ, đơn giản hoá 123 thủ tục hành chính; Bộ Tài chính chấp nhận đánh giá mức độ hài lòng của DN về ngành thuế để cải cách và sắp tới là hải quan, hiện đại hoá công nghệ thông tin, sửa đổi các thông tư cụ thể; định hướng sửa đổi luật, thanh tra công vụ…

Còn ở địa phương, một nguyên tắc được DN “nằm lòng” nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương, vừa bảo vệ mình: Không được thanh, kiểm tra DN quá một lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế; đối thoại với DN...

Ít có giai đoạn nào, hoạt động đối thoại DN được tổ chức dày đặc, thường xuyên như vậy. Trước đây, do thiếu thông tin, lòng tin nên giữa DN và chính quyền còn những định kiến về nhau. Vì thế, chỉ tăng đối thoại mới hiểu nhau, mới tạo ra mối quan hệ bền chặt.

Có nhiều địa phương xem đối thoại với DN là hoạt động rất quan trọng và tự hào khi tổ chức được 3-4 cuộc trong một năm. Và văn hoá đối thoại không chỉ diễn ra với lãnh đạo tỉnh, còn lan xuống cấp sở, huyện và các cơ quan hành chính cụ thể.

Những cải cách trên, đã thể hiện qua số lượng DN thành lập mới tăng kỷ lục, chỉ số về thuận lợi kinh doanh do Ngân hàng Thế giới đánh giá cũng tăng 9 bậc. DN qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm qua cũng cho thấy, chỉ số lạc quan về triển vọng kinh doanh tốt nhất trong 5 năm qua.

Thưa ông, cộng đồng DN nhận diện những rào cản, vướng mắc nào cần được tiếp tục tháo gỡ thời gian tới?

Chúng tôi muốn, việc đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền, công chức với DN phải thực chất hơn, chứ không còn hô khẩu hiệu, hoặc chỉ là lời nói của người đứng đầu bộ ngành, địa phương.

DN vẫn rất nhiều khó khăn. Việc rà soát điều kiện kinh doanh dù đã có bước tiến dài, nhưng ở cấp nghị định, ngay cả luật vẫn nhiều vấn đề, nhiều điều kiện phân biệt quy mô. Chẳng hạn Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu khẩu gạo, nghị định kinh doanh vận tải ô tô, thương quyền… vẫn dành cho DN lớn, DN nhỏ chưa tiếp cận được.

Rất nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật vẫn tạo ra cơ chế xin- cho, như Nghị định 60 về ngành in. Vấn đề thanh, kiểm tra còn phổ biến, chưa tuân thủ Nghị quyết 35, tạo ra rào cản, tăng chi phí kinh doanh cho DN. Ngay cả vấn đề không được hình sự hoá quan hệ kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều oan sai, kêu cứu…

Trong khi đó, về toà án, hệ thống xử lý các tranh chấp ở Việt Nam theo các chuyên gia quốc tế còn chậm chạp, nhiêu khê. Vì thế, toà án làm sao phải công bằng, minh bạch, nhanh gọn và tránh lạm dụng quyền để hình sự hoá.

Bao bọc doanh nghiệp lớn sẽ hạn chế cạnh tranh - 2

Ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Khám “sức khỏe” tổng thể DN nhỏ

Qua thực tế ở địa phương, ông thấy tiếng nói của cộng đồng DN đã được ghi nhận thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh?

Thời gian qua, nhiều địa phương đã minh bạch hoá, chuyên nghiệp hoá trong thủ tục hành chính. Chẳng hạn, một số mô hình trung tâm hành chính công như ở Quảng Ninh đã được kết nối xuống huyện, xã.

Ở đó, người dân, DN có thể đến một nơi tập trung để xử lý, và khi hoàn tất, người dân, DN có thể “chấm điểm” công chức khi bấm nút hài lòng, hoặc không hài lòng. Mô hình này tại Bình Dương cũng được DN đánh giá cao, khi thể hiện qua thứ hạng cao ở chỉ số PCI năm vừa rồi.

Có thể thấy, DN đang có nhu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa và cần phải lắng nghe chính người sử dụng dịch vụ đánh giá để cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan chỉ quan tâm đến việc tôi làm gì thôi, chứ người dân, DN hài lòng không, họ chưa quan tâm lắm.

VCCI và các tổ chức khác cũng đã chủ động tiến hành các đánh giá, ngoài PCI, còn có đánh giá về ngành thuế, hải quan, để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý biết khâu nào yếu, mạnh để cải thiện kịp thời.

Thời gian qua, rất nhiều DN kêu về sự đối đãi thiên lệch giữa DN lớn và nhỏ, DN tư nhân và khối DN FDI, liệu những vấn đề trên đã được quan tâm?

Gần đây, Chính phủ có quan tâm hơn khối DN nhỏ và vừa, nhưng chúng tôi cho rằng, khối DN này họ cần được tạo điều kiện thuận lợi, công bằng hơn trong việc tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, thương quyền…

Thực tế có nhiều thủ tục tạo rào cản cho DN nhỏ bước vào thị trường. Cơ quan quản lý đâu đó vẫn cho rằng, chỉ DN lớn mới tuân thủ các quy định pháp luật, còn DN nhỏ thì chưa. Cái này không hoàn toàn đúng. Phải cho DN nhỏ vào để họ cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng hoàng hoá, dịch vụ, uy tín, công nghệ, lúc đó người tiêu dùng, nền kinh tế mới được hưởng lợi. Bản thân các DN cũng có động lực để cạnh tranh. Vì thế, bao bọc cho DN lớn-dù hiện họ đang thành công, nhưng có thể giảm khả năng cạnh tranh của DN nhỏ.

Hiện các DN cũng lo ngại về vấn đề thuế, chi phí kinh doanh-điều chúng tôi cũng nhiều lần góp ý. Vừa rồi, Hải Phòng có ban hành về phí hạ tầng cảng biển, khiến nhiều DN lo ngại. Các DN Việt Nam đang thiên về xuất khẩu, nên rất nhạy cảm, hàng hoá từ Việt Nam chỉ cần khác biệt một chút chi phí, cũng ảnh hưởng khả năng cạnh tranh.

Hay gần đây, phí BOT tăng nhanh, rồi giá điện, thuế môi trường với xăng dầu... cũng khiến các DN lo lắng. Chính phủ cần cân nhắc đầy đủ, thận trọng, khi đánh giá hiệu ứng từ việc tăng các loại thuế, phí.

Lâu nay, chúng ta đánh giá về DN còn chung chung, nên hình ảnh của các DN FDI đang làm mờ đi DN tư nhân trong nước. Tới đây, Chính phủ cần có đánh giá riêng về tổng thể “sức khoẻ” của DN tư nhân Việt Nam. Tôi cũng chưa thấy đánh giá nào về khối DN tư nhân xem họ có quy mô, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, lợi nhuận thế nào… để có cơ sở hỗ trợ phù hợp.

Ở đây, cũng phải nói rằng, Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang được cộng đồng DN đón chờ rất nhiều. Tuy nhiên, trong dự thảo, ý tưởng trao quyền quá lớn cho Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, có lẽ là một bước đi lùi, thậm chí có thể gây hại đến khối DN này.

Ðừng tạo ra sự độc quyền, chia rẽ, tức là đừng trao cho một hiệp hội DN nào cả, mà hơn 400 hiệp hội, hội DN đều trong lĩnh vực, địa bàn của họ có thể phát huy được thế mạnh, chức năng của mình. Chính sách cần rõ ràng, bình đẳng, huy động mọi nguồn lực vì sự phát triển.

“Phải cho DN nhỏ vào để họ cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín, công nghệ, lúc đó người tiêu dùng, nền kinh tế mới được hưởng lợi. Bản thân các DN cũng có động lực để cạnh tranh. Vì thế, bao bọc cho DN lớn-dù hiện họ đang thành công, nhưng có thể giảm khả năng cạnh tranh của DN nhỏ”.

Ông Ðậu Anh Tuấn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN