Bằng cấp ở đâu trong thế giới của các CEO?
“Học hành tử tế = thành đạt” đích thị không phải là chân lý để làm giàu. Bằng cấp, trái ngành trái nghề càng không phải là rào cản cho thăng tiến trong thế giới kinh doanh. Cú ‘ngã ngựa’ lần này của CEO Yahoo Scott Thompson, nếu có, là vấn đề của lòng trung thực và đạo đức trong tiến thân.
Cộng đồng mạng đang xôn xao vụ CEO của tập đoàn lừng danh thế giới Yahoo giả mạo bằng cấp. Theo thông tin thu thập được, CEO Scott Thompson chỉ có bằng cử nhân kế toán chứ không phải cử nhân công nghệ thông tin như trong hồ sơ lưu giữ tại tập đoàn.
Ngay sau đó, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Yahoo đã yêu cầu sa thải Scott Thompson. Tuy nhiên, đại diện phía công ty cho rằng, việc Yahoo giữ lại Thompson trong lúc này quan trọng hơn nhiều so với việc điều tra xem bằng cấp thật của ông là gì, bởi không thể phủ nhận Thompson đã rất thành công trong lĩnh vực điều hành nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin tầm cỡ của thế giới trong đó có Paypal. Nhiều người cho rằng, ở thời điểm hiện tại ông chính là chiếc phao đưa Yahoo vượt qua sóng gió và những cửa ải khó khăn trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Liệu tài năng có thắng được bằng cấp và bằng cấp là gì trong thế giới phương Tây - nơi mà nhan nhản những người có tham vọng làm giàu quyết định bỏ học để thực hiện ước mơ của mình?
Bỏ học để trở thành tỷ phú
Đó là trường hợp của vị tỷ phú lừng danh thế giới - ông chủ của tập đoàn Microsoft. Là một người học giỏi và rất thông minh, Bill Gates thi đỗ trường đại học danh giá nhất thế giới Harvard.
Học được một năm ông quyết định bỏ học với suy nghĩ, nếu cứ tiếp tục học tại đây, ước mơ của ông sẽ mãi chỉ là ước mơ không thể với tới. Đến bây giờ, thế giới phải thừa nhận, quyết định của Bill Gates là hoàn toàn đúng đắn khi mà kể từ thời điểm rời xa ghế nhà trường ông đã dành tâm huyết để gây dựng đế chế phần mềm số 1 thế giới. Bill Gates đã chứng minh cho cả thế giới thấy một thực tế, không phải chỉ có con đường học tập mới có thể mang lại sự thành công và vinh quang.
Trên thế giới, người bỏ đại học để làm giàu và thành đạt không phải chỉ có Bill Gates. Những nhà lãnh đạo cũng như tỷ phú lừng danh dưới đây có thể khiến nhiều người không tránh khỏi bất ngờ.
Trên thế giới, người bỏ đại học để làm giàu và thành đạt không phải chỉ có Bill Gates và Steve Jobs
Chàng tỷ phú trẻ tuổi và cũng là ông chủ tập đoàn Facebook Mark Zuckerberg là một doanh nhân đáng được ngưỡng mộ. Chàng trai trẻ tuổi đã có một quyết định vô cùng dũng cảm khi từ bỏ ngôi trường đại học Harvard danh giá của mình để chạy theo những dự án kinh doanh đầy hứa hẹn.
Mark Zuckerberg đã từng cho biết, quyết định bỏ học của anh có sự ảnh hưởng lớn từ Bill Gates. Nếu như ngày ấy, Zuckerberg không dũng cảm thực hiện hoài bão của mình thì có lẽ giờ đây, ở độ tuổi còn rất trẻ anh không thế trở thành vị tỷ phú với số tài sản lên tới gần 20 tỷ USD.
Huyền thoại Steve Jobs đã mang đến cho thế giới công nghệ những điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng với iPhone, iPad bằng đỉnh cao sáng tạo. Gia nhập trường đại học Reed College, Jobs đã quyết định bỏ học sau một học kỳ. Sau này, Jobs có nói, nếu như không bỏ học thì cuộc đời ông không thể có được vinh quang của ngày hôm nay.
Ông vua sòng bạc Sheldon Adelson từ bỏ sự nghiệp học vấn tại trường đại học City College, New York với chuyên ngành tài chính doanh nghiệp và bất động sản. Sau khi phục vụ cho quân đội, ông tham gia vào lĩnh vực kinh doanh và tìm hiểu và lĩnh vực đầu tư. Kinh doanh sòng bạc đã thực sự mang đến cho Adelson những thành công vang dội. Hiện Adelson sở hữu những khu giải trí phức hợp bậc nhất trên thế giới với khối tài sản khổng lồ.
Larry Ellison là ông chủ tập đoàn phần mềm nổi tiếng thế giới Oracle. Là cựu sinh viên khoa Vật Lý của trường đại học Illinois, Ellison đã bỏ ngang con đường học tập của mình để tập trung cho công việc kinh doanh. Hiện ông cũng là một trong những tỷ phú có thế lực lớn với tài sản vài chục tỷ USD.
Trong khi đó, ông chủ tập đoàn máy tính Dell là Michael Dell cũng đã rời Đại học Tổng hợp Texas khi mới 19 tuổi và bắt đầu kinh doanh lịnh vực mà mình đam mê từ nhỏ. Thành lập công ty máy tính của riêng mình và phát triển nó thành một trong những tập đoàn bậc nhất thế giới đồng thời trở thành tỷ phú lớn chính là những thành quả mà ông đạt được kể từ khi quyết định từ bỏ con đường học vấn.
Không cần học vẫn khiến thế giới nghiêng mình
Lý Gia Thành là anh hùng châu Á được thế giới ca ngợi không chỉ vì tài năng và còn vì nhân cách lớn. Nhưng Lý Gia Thành đã bỏ học khi còn là một cậu bé chục tuổi do hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Sinh năm 1928, Lý Gia Thành hiện là Chủ tịch tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố (Hutchison Whampoa Limited) và Trường Giang Thực Nghiệp (Cheung Kong Holdings) tại Hong Kong.
Từ một anh chàng bán dạo đồng hồ khi 15 tuổi, đến năm 17 tuổi, Lý Gia Thành trở thành ông chủ xưởng sản xuất đồ nhựa trước khi sở thành ông chủ 2 tập đoàn lớn với tổng tài sản lên đến 30 tỷ USD.
Ông được bầu là nhân vật quyền lực nhất châu Á năm 2001 do Tạp chí Asiaweek bầu chọn, được nhận Giải thưởng "Thành tựu trọn đời" tại Singapore năm 2006 và nằm trong Top 9 nhân vật giàu nhất thế giới năm 2007, Top 11 năm 2008, Top 10 năm 2009
Bằng nghị lực phi thường và tài năng kinh doanh xuất chúng, Lý Gia Thành đã gây dựng được sự nghiệp lừng lẫy với khối tài sản khổng lồ. Lý Gia Thành vừa là một tỷ phú giàu có vừa và một nhà lãnh đạo giỏi và được trân trọng. Rõ ràng một người không có học vấn cũng có thể trở thành yếu nhân.
Richard Branson là nhà sáng lập và cũng là người lãnh đạo tập đoàn Virgin nổi tiếng. Ông chạm ngõ thế giới kinh doanh khi còn rất nhỏ và đã bỏ trường trung học khi mới 16 tuổi. Thành lập Virgin chỉ vài năm sau đó và giờ đây, Virgin đã trở thành một tập đoàn lớn với giá trị nhiều tỷ USD.
Học hành tử tế không phải là chân lý để làm giàu
Mới đây thôi, thế giới ngỡ ngàng trước thông tin về vị chủ tịch mới của World Bank. Sự ngỡ ngàng này cũng dễ hiểu khi người nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong một tổ chức tài chính lớn nhất thế giới lại không hề cho chuyên môn về lĩnh vực tài chính. Ông Jim Yong Kim là một bác sĩ người Mỹ gốc Hàn Jim Yong Kim. Nhiều người đặt nghi vấn về khả năng điều hành World Bank của ông Kim và liệu trọng trách này có quá sức đối với một "kẻ ngoại đạo" như ông Kim?
Tuy nhiên,các chuyên gia phân tích lại có cái nhìn khác. Họ cho rằng, vị lãnh đạo mới này có thể mang đến cho thế giới một luồng gió mới, mang đến cho một tổ chức tài chính một diện mạo mới và một sứ mệnh mới. Một người đã có những cống hiến lớn cho sự nghiệp phát triển con người như ông Kim có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những nơi còn nghèo khó.
Cú 'ngã ngựa' lần này của CEO Scott Thompson, nếu có, là vấn đề của lòng trung thực và đạo đức trong kinh doanh và tiến thân, không phải vấn đề bằng cấp.
Ông trùm viễn thông Carlos Slim cũng là tỷ phú giàu nhất thế giới trong nhiều năm liền. Năng khiếu và tố chất kinh doanh bẩm sinh đã giúp Carlos Slim nhìn trước được xu thế của thị trường và chớp được những cơ hội để xây dựng và phát triển đế chế truyền thông lớn mạnh với lợi nhuận khủng. Điều khiến cho thế giới kinh ngạc nằm ở chỗ mặc dù được mệnh danh là ông trùm viễn thông nhưng Carlos Slim lại mù về tin học, công nghệ.
Hành trang mang đến cho Slim sự thành công và danh tiếng ngày hôm nay không phải là bằng cấp những như hiểu biết về công nghệ mà chính là con mắt quan sát, sự nhạy bén và cái tài xuất chúng trong đầu tư vào thế giới công nghệ.
Những người nổi tiếng thành đạt trên thế giới luôn cho rằng, học vấn là quan trọng nhưng nó không phải là con đường duy nhất mang lại thành công. Nếu có hoài bão và sự thôi thúc lớn, hãy tạm dừng con đường học tập ở trường học để thực hiện cho bằng được ước mơ đó.
Cứ nhìn vào Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Francois Pinault (linh hồn của Gucci, Stella Mc Cartney...), Amancio Ortega (Chủ tịch tập đoàn Inditex)... thì có thể thấy, "Học hành tử tế = thành đạt" đích thị không phải là chân lý để làm giàu.
Kiến thức có thể học được bằng rất nhiều cách. Bằng cấp không phải là thước đo tri thức duy nhất, trái ngành trái nghề càng không phải là rào cản cho thăng tiến trong thế giới kinh doanh hiện đại. Cú 'ngã ngựa' lần này của CEO Scott Thompson, nếu có, là vấn đề của lòng trung thực và đạo đức trong kinh doanh và tiến thân.