Bán vốn Nhà nước để tăng ngân sách

Chỉ cần bán cổ phần nhà nước tại một số DN, ngân sách sẽ có thêm hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Mấy ngày trước, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu đã mạnh dạn đề xuất bán ngay vốn Nhà nước trong những doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Vì theo vị này, chỉ cần bán phần vốn Nhà nước tại Vinamilk thôi, ngân sách sẽ thu về hàng tỉ USD.

“Bỏ quên” hàng trăm ngàn tỉ đồng

Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện bán phần vốn Nhà nước tại các DN được các đại biểu Quốc hội đề cập đến. Bởi lẽ, trong khi ngân sách đang gặp khó khăn, Chính phủ đối mặt với nợ công cao, tại sao lại không đẩy mạnh việc bán bớt phần vốn của Nhà nước tại các DNNN?

Trở lại với câu chuyện cụ thể của Vinamilk, hiện Nhà nước đang nắm hơn 45% cổ phần. Tính theo giá thị trường, nếu bán số cổ phần này đi, Nhà nước có thể thu về khoảng gần 60.000 tỉ đồng.

Chưa hết, tại PV Gas (Tổng Công ty Khí Việt Nam), Nhà nước cũng nắm khoảng 96,72% cổ phần, tính theo giá thị trường thì tương đương cũng khoảng 118.200 tỉ đồng. Như vậy, chỉ cần Nhà nước bán trên 20% cổ phần thì cũng đã có thể thu về hàng chục ngàn tỉ đồng.

Bán vốn Nhà nước để tăng ngân sách - 1

Theo đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, chỉ cần bán phần vốn Nhà nước tại Vinamilk thôi, ngân sách sẽ thu về hàng tỉ USD. Ảnh: Võ Văn Hoàng

Hoặc ở lĩnh vực bảo hiểm, số cổ phần nhà nước nắm tại Bảo Việt khoảng 74% cổ phần. Nếu bán, Nhà nước cũng có thể thu về gần 21.600 tỉ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều nguồn vốn tại các DN mà không cần Nhà nước phải chi phối như Sabeco (Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn), Ngân hàng BIDV…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc thoái vốn đầu tư khu vực DNNN là việc rất cần phải làm. “Lâu nay chúng ta nói quá nhiều mà làm thì ít. Giờ là lúc cơ quan quản lý phải quyết liệt để làm cho bằng được, thu hồi vốn. Từ đó giảm bớt khó khăn cho ngân sách trong bối cảnh bội chi như hiện nay” - ông Doanh nói.

Chỉ bán DN chưa hiệu quả

Phát biểu với báo chí, một vị lãnh đạo của Chính phủ cho rằng quan điểm sẽ là bán bớt phần vốn Nhà nước tại các DN nhưng trước mắt là bán ở các DN lỗ, chưa làm ăn hiệu quả. Còn các DN kinh doanh có lãi thì sẽ vẫn tạm thời giữ lại và từ từ thoái vốn sau.

Bàn về điều này, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính cho rằng DN nào cũng có cái giá của nó, quan trọng là bán ở thời điểm nào. Thêm nữa, vị này cũng phân tích việc bán cổ phần ở DN đó không có nghĩa là Nhà nước mất nguồn thu, bởi DN vẫn hoạt động và tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước.

“Hiện Nhà nước vẫn dùng cổ tức từ các DN có lãi để thực hiện tái đầu tư trở lại vào chính DN đó nhưng thực tế có nhiều trường hợp chưa cần thiết. Ví dụ, việc tái đầu tư vào ngành sữa, tôi cho rằng chưa phải là điều bức thiết nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Trong khi, ngân sách đang cần đầu tư vào những lĩnh vực công quan trọng hơn như bệnh viện. Nói chung, trong thời điểm này việc bán cổ phần sẽ tốt hơn rất nhiều việc lấy cổ tức và tái đầu tư vào những ngành chưa cần thiết” - vị chuyên gia trên nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói thêm: “Vai trò của Nhà nước không phải là hoạt động kinh doanh lấy lãi mà là tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt. Với những DN mà Nhà nước đang đầu tư vào, dù đang có lãi nhưng cũng nên rút lui.

Cũng theo chuyên gia này, chúng ta đã để nền kinh tế quá phụ thuộc vào các DNNN trong khi các DN này lại hoạt động không hiệu quả. Trước đây, do tư nhân chưa đủ tiềm lực nên phải cần các DNNN tham gia. Nhưng giờ tư nhân làm được rồi thì không có lý gì mà Nhà nước tiếp tục phải gánh trọng trách đó nữa.

Nguyên tắc bán vốn Nhà nước

Ngày 1-11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 151/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, SCIC có chức năng bán vốn Nhà nước đầu tư tại DN được chuyển giao theo quy định hiện hành. Nghị định cũng nêu rõ các nguyên tắc bán vốn Nhà nước, đó là: Theo đúng tiêu chí, danh mục phân loại DNNN do Thủ tướng Chính phủ quyết định và kế hoạch bán vốn được Hội đồng thành viên ban hành. Bảo toàn, phát triển giá trị vốn Nhà nước đã giao cho tổng công ty, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện để DN phát triển. Việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn Nhà nước phải đảm bảo phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN