Bán vàng lúc này là có lợi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, việc giá vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới, người dân nếu có vàng đi bán thì được lợi, nhưng ai đi mua sẽ lại chịu thiệt.
Người dân bán vàng được lợi, ngân hàng mua vàng phải chịu thiệt
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012 chiều muộn ngày 28/10, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối NHNN thừa ủy quyền lãnh đạo NHNN cho biết, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư 12/2012/TT-NHNN ngày 24/4/2012, các tổ chức tín dụng (TCTD) dừng huy động, cho vay vàng kể từ ngày 24/11/2012, mà NHNN sẽ đứng ra mua vàng nếu người dân muốn bán để chuyển đổi sang tiền đồng, với mục đích chống “vàng hóa” nền kinh tế và huy động nguồn lực cho phát triển.
Từ năm 2000, NHNN đã cho phép các TCTD huy động vàng, cho vay vàng, chuyển đổi 30% số vàng huy động được thành tiền đồng để lưu hành trong nền kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, giá vàng thế giới tăng mạnh. So với thời điểm 2008, giá vàng hiện nay đã tăng tới 300%.
Ông Huy cho biết, trước thực tế này, các TCTD đang đứng trước rủi ro lớn. Giá vàng tăng khiến các TCTD đối mặt với nguy cơ lỗ. Quan trọng hơn, các TCTD cho vay vàng chủ yếu là để mua nhà, bất động sản. Trong khi đó, thời gian qua, giá vàng tăng cao, thị trường bất động sản cũng không “hồng hào”, hoạt động này đã dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả người dân và TCTD, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Cũng theo ông Huy, việc NHNN đứng ra mua vàng của dân cũng không thể diễn ra ngay lập tức được. NHNN đang tổ chức một mạng lưới mua – bán vàng đáp ứng đủ yêu cầu theo tinh thần của Nghị định 24. NHNN cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm duy trì ổn định giá trị của tiền đồng Việt Nam, để người dân yên tâm bán vàng giữ VND.
Quá trình chuyển đổi huy động sang mua bán sẽ đạt được muc tiêu chống vàng hóa nền kinh tế và huy động được nguồn vốn vào nền kinh tế.
So với thời điểm 2008, giá vàng hiện nay đã tăng tới 300%.
Nói về câu chuyện quản lý thị trường vàng, cũng tại phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ở Việt Nam lâu nay người dân vốn có thói quen giữ vàng không chỉ như đồ trang sức mà còn để giữ của, nên lượng vàng trong dân rất lớn, và như vậy vàng không lưu thông, gây lãng phí vì không sinh lời.
Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải làm sao hút được vàng ở trong dân. Thời gian qua, NHNN đã ra hàng loạt các biện pháp và đã có kết quả.
Giá vàng bao giờ cũng liên quan tới tỷ giá do xuất, nhập khẩu. Trước đây, giá vàng thường xuyên gây áp lực lên tỷ giá, thì hiện giá vàng chênh cao hơn so với giá vàng thế giới, trong khi đó, tỷ giá vẫn ổn định. Một phần do tác động chính sách tích cực vừa qua của NHNN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, các chính sách, nhất là liên quan tới tiền tệ cũng ảnh hưởng tới một bộ phận nhất định. Giờ người dân nếu có vàng bán ra thì được lợi vì vàng trong nước đang đắt hơn vàng thế giới. Nhưng ai đi mua thì lại thiệt. Các ngân hàng thương mại mua vào giá cao cũng phải chịu thiệt.
Không nên vội chuyển sang vàng miếng SJC
Về việc chuyển đổi vàng miếng khác thương hiệu sang vàng SJC, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, người dân không nên vội vàng mang đi bán, đổi để bị các đối tượng đầu cơ, trục lợi ép giá, gây thiệt hại.
"Gần đây có một bộ phận người dân nôn nóng mang vàng phi SJC đi dập lại và xuất hiện vàng giả một phần do thông tin của cơ quan Chính phủ, cụ thể là NHNN đến với công chúng chưa được rõ ràng, minh bạch để người dân yên tâm. Hôm nay, chính Thủ tướng yêu cầu Thống đốc nếu cần thiết phải xuất hiện nói rõ với nhân dân. Vàng hay bất cứ mặt hàng nào khi có giá trị cao đều có đầu cơ, trục lợi, vì vậy cần thông tin kịp thời không để kẻ xấu kích động gây thiệt hại”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết trước đây, SJC có 3 hoạt động chính bao gồm sản xuất vàng miếng, sản xuất vàng trang sức, và kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Sau khi NHNN quyết định coi thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước, doanh nghiệp này chỉ còn được hoạt động ở 2 mảng: sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và gia công vàng miếng theo yêu cầu của NHNN.
“Doanh nghiệp đã không còn được kinh doanh mua, bán vàng miếng từ tháng 5/2012, thay vào đó thực hiện gia công vàng cho NHNN. NHNN giám sát trực tiếp tất cả các công đoạn sản xuất vàng miếng. Tất cả khuôn, máy ép đều được niêm phong để đảm bảo doanh nghiệp không sản xuất vàng miếng ngoài yêu cầu của NHNN” ông Huy nói.
Ông Huy cũng khẳng định, “Các thương hiệu vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường”.
Về chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng SJC, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, NHNN đã từng thông báo, người dân phải bình tĩnh, không nhất thiết phải chuyển đổi ngay mà chờ thêm một thời gian nữa.
“Sau một thời gian nữa, việc chuyển đổi sẽ diễn ra bình thường, thông suốt”, ông Huy khẳng định.