Bán nhà xe chung cư... làm nhà ở

Tất cả không gian gầm cầu thang của 3 chung cư Bàu Cát 1, Bàu Cát 2 và Thanh Niên ở quận Tân Bình, TPHCM do Công ty Kinh doanh Phát triển (KDPT) nhà Tân Bình, nay là CTCP Địa ốc Tân Bình làm chủ đầu tư đã bán và được chính quyền cấp sổ hồng cho người dân. UBND TP yêu cầu chủ đầu tư thu hồi các “căn nhà” trên. Tuy nhiên, việc thu hồi kéo dài nhiều năm nay khiến quyền lợi của người dân cũng bị “treo” theo.

Hệ quả

Thông thường, không gian dưới cầu thang chung cư được sử dụng vào các mục đích chung như làm nơi để xe, lắp đặt các thiết bị kỹ thuật vận hành tòa nhà. Vậy nhưng, để tận thu bằng mọi giá, Công ty KDPT nhà Tân Bình đã bán toàn bộ gầm cầu thang các chung cư cho người dân làm nhà ở.

Bà Hồ Xuân Diệu, người sở hữu nhà xe chung cư Thanh Niên, cho biết đầu năm 2002 bà sang nhượng căn nhà đang ở của một chủ sở hữu khác và được cấp số nhà 0.15. Giữa năm 2002, nhà xe này đã được cấp giấy hồng.

Tương tự, Bà Bùi Thị Yến, chủ sở hữu căn nhà ở gầm cầu thang B chung cư Bàu Cát 2, đã ký hợp đồng mua bán nhà với Công ty KDPT nhà Tân Bình. Căn nhà hơn 43m2 này được bà Yến mua tại thời điểm năm 2003 với giá 71,8 triệu đồng. Khi đưa vào sử dụng, bà đã ngăn một nửa để ở, phần còn lại kinh doanh dịch vụ trông giữ xe.

UBND TP đã có chủ trương giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn và CTCP Địa ốc Tân Bình trực tiếp thương lượng với các chủ hộ mua lại nhà xe để quản lý theo quy chế của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, việc thương lượng không tích cực nên đến nay vẫn chưa thực hiện được, làm xáo trộn đời sống của người dân.

“Hơn 2 năm nay, gia cảnh nhà tôi quá nhiều khó khăn, muốn bán căn hộ của mình để giải quyết cuộc sống gia đình nhưng không được. Hiện nay, vợ chồng tôi đã già, sức khỏe yếu, rất cần ổn định chỗ ở và công việc kiếm sống” - bà Diệu nói.

Sự việc kéo dài nhiều năm nay không chỉ khiến quyền lợi trực tiếp của các chủ sở hữu bị ảnh hưởng mà hàng trăm người sống trong các chung cư này cũng ăn ngủ không ngon vì nỗi lo “bà hỏa” ghé thăm.

“Không nơi nào như ở đây, chung cư đưa vào sử dụng hơn 15 năm mà hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn chưa hoàn chỉnh. Việc này tiếp tục bị “treo” thì chẳng khác nào họ “treo” tính mạng của chúng tôi trên đống lửa” - bà Nguyễn Thị Xuân (nhà ở chung cư Bàu Cát 2) lo lắng.

Đại diện UBND quận Tân Bình thừa nhận, chính những ngôi nhà ở gầm cầu thang là nguyên nhân không thể lắp đặt hệ thống bơm nước và thiết bị PCCC. Thực trạng của chung cư đang rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân cư ngụ tại các chung cư trên nếu có hỏa hoạn xảy ra.

Chưa có quỹ nhà hoán đổi

Theo tìm hiểu của PV, trước đây CTCP Địa ốc Tân Bình đã bán tổng cộng 8 nhà để xe tại 4 chung cư Bàu Cát 1, Bàu Cát 2, Tân Sơn Nhì 1 và chung cư Thanh Niên tại phường 14, quận Tân Bình. Sự việc sai trái này đã bị Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM phát hiện.

Ngày 10-10-2005, UBND TPHCM đã có công văn chỉ đạo kiểm điểm ban lãnh đạo Công ty KDPT nhà Tân Bình, đồng thời thu hồi ngay tất cả gầm cầu thang chung cư đã bị bán bằng cách mua lại.

Bán nhà xe chung cư... làm nhà ở - 1

Nhà ở kết hợp giữ xe tại chung cư Bàu Cát 2

Mãi đến năm 2007, chủ đầu tư chỉ mới mua lại 2 nhà để xe tại chung cư Tân Sơn Nhì 1 theo giá thị trường. 6 căn nhà còn lại đến nay vẫn chưa thu hồi được do chủ đầu tư đưa ra giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Theo người dân, chủ đầu tư phải mua lại sát giá thị trường hoặc hoán đổi căn hộ chung cư có giá trị tương đương.

Ông Nguyễn Công Thành (ở gầm cầu thang số 94A chung cư Bàu Cát 2) cho biết công ty chỉ thỏa thuận bồi thường căn nhà rộng 43,32m2 của ông với giá 500 triệu đồng, trong khi giá thị trường gần 2 tỷ đồng. Tương tự, tại các gầm cầu thang còn lại có diện tích từ 40m2 đến hơn 90m2 nhưng Công ty Địa ốc Tân Bình chỉ mua lại từ 400 triệu đồng đến hơn 1,5 tỷ đồng.

“Dù là gầm cầu thang nhưng trước đây họ bán theo giá nhà ở, bây giờ mua lại theo giá gầm cầu thang là không thể chấp nhận được” - ông Thành nói.

Được biết, ngày 4-5-2007, UBND TPHCM có công văn đồng ý duyệt giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất của các chung cư có gầm cầu thang bị bán theo cơ chế giá thị trường. Sở Xây dựng TP cũng cho rằng Công ty KDPT nhà Tân Bình tự ý bán gầm cầu thang chung cư sai quy định nên phải tự thương lượng với các hộ dân về việc hỗ trợ thêm giá bồi thường.

Tuy nhiên, lãnh đạo CTCP Địa ốc Tân Bình lại phản đối: “Khi bán 6 nhà để xe của các chung cư trên, công ty còn là doanh nghiệp nhà nước và đã quyết toán xong trong khi thực hiện cổ phần hóa. Vì vậy, không thể dùng vốn và tài sản của công ty cổ phần để giải quyết tồn tại của thời điểm doanh nghiệp nhà nước”.

Ngoài ra, công ty còn kiến nghị UBND TP lấy tiền từ nguồn quỹ sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chi trả.

Để giải quyết dứt điểm, Sở Xây dựng TP mới đây đã có công văn gửi UBND TP kiến nghị chấp thuận cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn mua lại 6 căn hộ tầng trệt chung cư Gò Dầu 2 để phục vụ cho việc hoán đổi 6 nhà xe chung cư Bàu Cát 1, 2 và chung cư Thanh Niên.

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, CTCP Địa ốc Tân Bình xác định giá bán, cơ chế tài chính để mua lại 6 căn hộ.

Mới đây, trong công văn phúc đáp UBND TP về việc giải quyết thu hồi các nhà xe, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Tân Bình, cho biết hiện tổng công ty đang gặp vướng mắc về cơ chế tài chính để mua lại 6 căn hộ trên (Sở Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính của việc mua lại 6 căn hộ).

Tổng công ty có kiến nghị UBND TP cho phép mua lại 6 căn nhà xe trên từ nguồn vốn ngân sách TP cấp cho tổng công ty hoặc giảm vốn điều lệ của tổng công ty. Do chưa có ý kiến của TP nên Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa thể mua lại quỹ nhà để thực hiện hoán đổi 6 căn nhà trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN