Bán nhà cho nợ 80%: Chiêu "đá" cục nợ xấu sang khách hàng?

Nghi ngờ doanh nghiệp dùng xảo thuật để xóa nợ xấu bằng cách chuyển nợ xấu cực lớn từ một doanh nghiệp sang nợ xấu nhỏ vài trăm khách hàng. Khi lãi suất đang nhích lên, nếu cứ vay mua nhà, đầu tư BĐS thì không khéo lại rơi và thảm cảnh 2008-2009.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Hoàng Gia Group tỏ ra lo lắng khi thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang có lượng cung vượt cầu, nhiều sản phẩm tung ra thị trường không đáp ứng đúng nhu cầu của người mua nhà, điều này dẫn đến sẽ có những sản phẩm bán tốt nhưng có dự án ế ẩm.

“Hiện cả phân khúc giá rẻ, trung bình và cao cấp đều đang diễn biến sôi động và đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Trong khi nhu cầu mua nhà có giới hạn mà lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường đang rất dồi dào, giá lại đang bị một số chủ đầu tư “đẩy” lên, thậm chí có dự án bị đẩy tới 10 triệu đồng mỗi mét vuông kể từ khi làm móng đến khi cất nóc… khiến thị trường sẽ càng bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn”, ông Cao nói.

Bán nhà cho nợ 80%: Chiêu "đá" cục nợ xấu sang khách hàng? - 1

Thị trường bất động sản đang được chuyên gia cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn thời gian tới. Ảnh: Minh Thư

Nhận định thị trường từ nay đến hết năm, ông Cao cho rằng, giá BĐS sẽ có sự tăng nhẹ, phân khúc trung cấp vẫn được nhiều người mua nhà quan tâm. Nếu chủ đầu tư nào thông minh sẽ tung giá hợp lý để thanh khoản nhanh, còn nếu chủ đầu tư nào bán theo giá thị trường, giá cao thì thanh khoản thấp.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh lại băn khoăn khi thị trường hiện gần như không còn căn hộ dưới 1 tỷ đồng, các căn hộ dưới 1,5 tỷ đồng cũng chỉ có ít, nhưng lượng căn hộ giá 2-3 tỷ đồng quá nhiều, thậm chí có cả căn hộ vài chục tỷ đồng.

“Số lượng nhà cao giá đang quá nhiều trong khi nhu cầu đại đa số người dân cần nhà giá rẻ, đây là sự mất cân đối càng ngày càng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp “ôm” nợ xấu quá lớn nên phải bán nhà giá cao để tăng thu hồi nợ, chính vì bán giá cao nên mới có nhiều chiêu khuyến mại như giao nhà khi người mua đóng 20-30%, còn 70-80% thì cho vay ngân hàng. Tôi đang nghi ngờ người ta đang làm một kỹ thuật để xóa nợ xấu bằng cách chuyển nợ xấu cực lớn từ một doanh nghiệp sang nợ xấu nhỏ vài trăm khách hàng”, ông Đực nói.

Mặt khác, ông Đực cho rằng, trong khi lãi suất đang nhích lên, nếu ai không tỉnh táo cứ vay mua nhà, vay để đầu tư BĐS thì không khéo lại rơi vào thảm cảnh 2008 – 2009.

“Tôi lo ngại nhiều người dân hiện mua nhà không phải để ở mà là để đầu cơ, nhiều doanh nghiệp hiện cố bán sản phẩm để giải quyết nợ xấu nhưng không lường trước được biến động của lãi suất có thể gây nhiều nguy hiểm cho thị trường BĐS.

Thị trường đã xuất hiện nhiều rao bán dưới giá mua, giá nhà trên thị trường có dấu hiệu chững lại, thị trường đã bắt đầu bội thực… Từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS chưa thể xảy ra đổ vỡ nhưng đã có những tín hiệu cho thấy thị trường này đang bắt đầu có nhiều khó khăn, do thị trường đầu tư vào căn hộ cao cấp quá lớn. Ngay trong năm nay chưa thấy rõ khó khăn nhưng đến giữa năm 2017 sẽ bộc lộ rõ khi lãi suất tăng lên 15%.

Dự báo thêm về thị trường BĐS nửa cuối năm, Công ty CP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng thị trường vẫn diễn ra rất sôi động. Thị trường nửa sau năm 2016 tiếp tục sôi động với điểm nhấn từ dự án cao cấp.

Song, BVCS dự báo cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng quyết liệt và quyền quyết định thuộc về người mua. Nếu như, giai đoạn 2009 – 2010, nguồn cung chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thì hiện tại tình trạng cung vượt cầu diễn ra ngày càng lớn. Chính sự lệch pha trong cung cầu là yếu tố dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt và những chính sách ưu đãi ngày càng nhiều mà chủ đầu tư mang đến cho khách trong những tháng đầu năm 2016.

Sự cạnh tranh trong từng phân khúc và quyền quyết định thuộc vào người mua là điểm nổi bật trong năm 2016. Do đó, xét trên bức tranh tổng thể, chúng tôi cho rằng động lực tăng giá đối với các dự án căn hộ trong năm nay là không được như diễn biến năm 2015”, chuyên viên phân tích của BVSC khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN