Băn khoăn dự luật cho phá sản ngân hàng
Giữa Luật Phá sản năm 2014 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã có sự khác nhau về điều kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong đó đáng chú ý có quy định về phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án phá sản.
Theo Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), cho rằng giữa Luật Phá sản năm 2014 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã có sự khác nhau về điều kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Điều 98 của Luật Phá sản năm 2014 quy định "sau khi Ngân hàng nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì những người sau đây có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản". Trong khi đó dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng quy định "tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định pháp luật về phá sản sau khi có phương án phá sản được phê duyệt".
Tại Điều 145, trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng cần thiết kế lại dự thảo để thấy rõ được trách nhiệm trong việc báo cáo của tổ chức tín dụng với Ngân hàng nhà nước khi tổ chức mình rơi vào một trong các trường hợp bị xem xét đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Đại biểu Phùng Thị Thường, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 145 dự thảo có ghi "khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo với Ngân hàng nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục và đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng nhà nước".
Tuy nhiên, tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào trình trạng kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong 4 trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều 145, không phải chỉ có trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
“Như vậy, tổ chức tín dụng rơi vào các trường hợp còn lại thuộc tình trạng phải kiểm soát đặc biệt thì ai có trách nhiệm phải báo cáo với Ngân hàng nhà nước xem xét hay tự Ngân hàng nhà nước phải có trách nhiệm biết về vấn đề này. Nếu Ngân hàng nhà nước phải có trách nhiệm tự biết thì Ngân hàng nhà nước phải căn cứ vào đâu để được biết”, Đại biểu Phùng Thị Thường nói.
Là “người trong cuộc”, Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng nếu không sử dụng nguồn lực nhà nước hay ngân sách nhà nước, sẽ có một khoảng trống khi một tổ chức tín dụng phá sản, không được sự hỗ trợ của nhà nước sẽ dẫn đến câu chuyện không chi trả đầy đủ tiền cho dân và sẽ dẫn đến hệ lụy là có thể mất an ninh, an toàn hệ thống và trật tự xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Chủ tịch Vietinbank.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần có chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính cho đến khi hết lỗ lũy kế và miễn trừ các loại thuế, phí về chuyển nhượng tài sản trong quá trình xác nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý cho chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần góp vốn của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cho tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần góp vốn. Đây là biện pháp quan trọng để góp phần thu hút các nhà đầu tư mới tham gia vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
“Trên thực tế, việc đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ gặp nhiều rủi ro. Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ về tài chính, chính sách thì khó có thể thu hút các nhà đầu tư tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả việc thu hút nguồn vốn của xã hội tham gia xử lý tổ chức tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân nước ngoài,” Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Về đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, hiện tại việc quy định mức chi trả bảo hiểm tiền gửi còn bất cập, hạn mức chi trả chỉ 75 triệu đồng/1 người trong khi thực tế một người có nhiều sổ tiết kiệm với số tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Đại biểu Hòa cho rằng nếu áp dụng biện pháp phá sản mà chi trả tiền gửi theo hạn mức là 75 triệu đồng/1 người có thể tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền cá nhân rút ồ ạt tại nhiều tổ chức tín dụng. Từ đó có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền cho các tổ chức tín dụng ảnh hưởng sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Người gửi tiền có thể tụ tập khiếu nại đông người gây mất trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, luật sửa đổi, bổ sung lần này cần quy định như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
“Cần quy định sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức tín dụng như cho vay lãi suất đặc biệt để chi trả số tiền vượt hạn mức bảo hiểm chỉ trả cho cá nhân gửi tiền. Đây là biện pháp hỗ trợ quan trọng và cần thiết khi thực hiện phá sản để không làm đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, không làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và giữ vững uy tín của toàn hệ thống tín dụng”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.