ATM hết tiền phạt 15 triệu: Ngân hàng chưa sợ

“Nếu chỉ phạt 15 triệu thì không đủ sức răn đe vì các ngân hàng vẫn cứ làm và sẵn sàng nộp phạt”, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội nhận định.

Từ ngày 12/12, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên 15 triệu đồng. Đó là một trong những nội dung trong Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Chính phủ ban hành.

“Tiền của mình mà cứ như đi xin”

Anh Trần Thanh Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, có lần vào ngày chủ nhật, anh vào ATM rút tiền nhưng máy không nhả tiền mà tài khoản bị trừ. Số điện thoại trên thùng là của nhà sản xuất, anh gọi vào số hỗ trợ thì không ai bắt máy, ngân hàng đóng cửa vì là ngày nghỉ.

Sau khi kể về những lần phải xếp hàng ở các cây ATM rút tiền, đặc biệt trong các dịp lễ tết, chưa kể có lần đi tới 4 cây ATM mà đều bị báo hết tiền, chị Phạm Kim Thu (quận Hoàn Kiếm) thở dài: “Tiền của mình mà cứ như đi xin vậy. Nếu theo quy định này, cây ATM hết tiền mà người dân không phát giác, ngân hàng ém nhẹm thì nhà nước làm sao biết mà phạt”.

Anh Nguyễn Thiếu Sơn (Cầu Giấy, HN) cho biết anh thường xuyên phải rút tiền từ ATM. Tuy nhiên, tình trạng cây ATM đang trong tình trạng hỏng hoặc hết tiền rất phổ biến. Theo anh Sơn, nên công khai một đường dây nóng nhận phản hồi từ người rút tiền thì tình hình cải thiện hơn.

Nhiều khách hàng phản ánh, có lần rút tiền tại ATM nhưng không được trong khi tài khoản vẫn bị trừ. Những khách hàng này phải lên ngân hàng làm tường trình, sau đó gần 1 tháng mới được hoàn tiền. Có khách rút tiền liên ngân hàng nhưng phải rút 2 lần và ngân hàng nghiễm nhiên hưởng phí 2 lần dù số tiền rút chỉ là 5 triệu đồng.

ATM hết tiền phạt 15 triệu: Ngân hàng chưa sợ - 1

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội (ảnh: VCCI)

Phạt 15 triệu, ngân hàng vẫn vi phạm

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội, ATM là để rút tiền. Ngân hàng đặt cây ATM, bán thẻ cho khách và thu phí nhưng khi khách tới rút tiền mà không có thì không được. Như thế là ngân hàng không thực hiện đúng cam kết với khách hàng. Công nhân ở các khu công nghiệp không phải ai cũng có thể giữa giờ ra ngoài rút tiền. Khi họ không rút được tiền để đóng học cho con hay thậm chí là tiền ăn thì ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống. Ngân hàng mà để như thế thì đáng bị phạt.

Tuy nhiên, luật gia Tiền nhận định, để quy định trên mang lại hiệu quả cần có cơ chế khắt khe hơn. Nếu chỉ phạt 15 triệu thì không đủ sức răn đe vì các ngân hàng vẫn cứ làm và sẵn sàng nộp phạt. Thêm vào đó, khó có thể xác định lúc đó ATM hết tiền hay bị lỗi. Nhiều khi cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác của người rút.

Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội cho rằng lập đường dây nóng không mang lại hiệu quả. Nếu đường dây này để gọi cho Ngân hàng Nhà nước thì… “hòa cả làng”. Gọi cho cơ quan chủ quản cũng tương tự. Ông Tiền lấy ví dụ trước đây có bộ còn cho đường dây nóng của tổng cục trưởng, các doanh nghiệp có vướng mắc thì gọi ngay cho vị này nhưng vị này không bao giờ nghe vì lý do đi họp.

Luật gia Tiền nhận định, quy định trên là một lời răn đe. Để cây ATM hoạt động hiệu quả hơn là phải xuất phát từ ý thức của mỗi ngân hàng. Ngân hàng nào không vì chữ tín mà gây nhiều khó khăn cho khách thì tự khách hàng sẽ rời bỏ mình.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng nếu ngân hàng để ATM thường xuyên hết tiền mà không điều chỉnh thì đáng bị phạt. Tuy nhiên, phạt 15 triệu đồng là rất nhỏ so với vi phạm cố tình của ngân hàng. Số tiền đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng. Chưa tính việc xử phạt cũng khó khăn, qua nhiều tiến trình điều tra.

Ông Hiếu cho biết, đầu tư một cây ATM tốn kém rất nhiều. Nguyên máy ATM mất ít nhất 20.000 USD/máy. Tiền bảo trì thường xuyên tại cây ATM và hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng, nhân viên tiếp tiền… Những lệ phí ngân hàng thu từ khách không bù cho được số tốn phí này nên không có chuyện ngân hàng cố tình bỏ thiếu tiền để làm lợi cho mình. Nếu có sự cố đó xảy ra, có thể do ngân hàng cẩu thả, không tính toán để cung ứng tiền đủ hoặc không bảo hành ATM cẩn thận chứ không vì mục đích lợi nhuận.

Theo vị chuyên gia ngân hàng này, khi rút tiền liên ngân hàng, nhiều khi khách phải rút 2 lần cho một số tiền không nhiều. Nghiễm nhiên ngân hàng thu phí 2 lần. Mục tiêu chủ yếu của việc này là tạo sự an toàn, hạn chế rủi ro cho tài khoản chứ không phải vì mục đích thu phí.

Tháng 6/2014, 100 công nhân tại Công ty Cổ phần Việt Nam Mộc Bài (Khu công nghiệp Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đã giao thẻ ATM nhờ một tổ trưởng của công ty rút giùm tiền lương. Sau khi rút tiền, người này đã ôm hàng trăm triệu đồng bỏ trốn. Đời sống công nhân phần lớn đều khó khăn, nhiều người phải mượn tiền xoay xở từ đầu tháng chờ khi có lương trả nợ, giờ mất trắng cả tháng lương nên rơi vào cảnh khốn cùng.

Sau đó, nghi phạm đã ra công an đầu thú, thú nhận vì thua bạc ở casino, bị giang hồ dọa xử nên đã lừa tiền của các công nhân bằng việc cầm thẻ ATM đi rút tiền hộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN