APEC ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sự kiện: Kinh Doanh

Khánh Hòa kêu gọi doanh nghiệp Nhật đầu tư vào công nghiệp đóng tàu.

Chiều 1-3, các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã có buổi gặp gỡ báo chí để cung cấp những nội dung được đề cập tại hội nghị lần thứ nhất APEC đang diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

APEC ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - 1

Tỉnh Khánh Hòa mong được hợp tác nhiều hơn với Nhật trong việc đánh bắt, xuất khẩu cá ngừ Ảnh: KỲ NAM

TS Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế, cho biết tại hội nghị lần này, Việt Nam đề xuất 4 vấn đề: Tăng trưởng bền vững; nâng cao hội nhập kinh tế, kết nối các nền kinh tế để cùng hưởng lợi; an ninh lương thực trước tình hình biến đổi khí hậu; các giải pháp cải cách, hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

Theo TS Alan Bollard, việc tự do hóa thương mại mà 21 nền kinh tế thành viên APEC đang theo đuổi phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật số. Trong khi đó, đây là vấn đề mà các DN nhỏ và vừa còn thiếu. “Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến trong hội nghị APEC 2017. Việt Nam đã giúp chúng tôi đi đúng trên con đường kết nối các nền kinh tế. Tôi tin Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất” - ông Alan Bollard nhìn nhận.

TS Denis Hew, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ chính sách APEC, cho rằng tại hội nghị lần thứ nhất, các quan chức cấp cao APEC đặc biệt ưu tiên đến DN nhỏ và vừa vì đây là thành phần DN chiếm số đông ở Việt Nam và nhiều nền kinh tế thành viên của APEC. Thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nền kinh tế thành viên APEC phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là thành phần kinh tế dễ tổn thương và khó hội nhập. “Chúng tôi nâng cao DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận công nghệ, nhất là công nghệ số, kỹ năng, tính cạnh tranh và hội nhập” - TS Denis Hew nói. Ông cho hay trong việc tạo điều kiện để DN nhỏ và vừa phát triển, APEC còn đưa ra những dự án về các chuỗi cung ứng, tạo điều kiện kết nối các DN, như việc tạo điều kiện cho chủ DN dễ dàng đi lại, giao lưu với nhau trong các nền kinh tế thành viên APEC.

Cùng ngày, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã có buổi gặp gỡ phái đoàn Nhật bên lề Hội nghị lần thứ nhất APEC. Tại đây, ông Vinh cho biết trên địa bàn hiện có 6 dự án của nhà đầu tư Nhật đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 31 triệu USD, chỉ chiếm 2,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông Lê Đức Vinh bày tỏ mong muốn tiếp đón DN Nhật trong lĩnh vực điện tử, đóng tàu, khai thác và chế biến thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao… đến Khánh Hòa đầu tư, hợp tác làm ăn. “Ngay cả lĩnh vực thủy sản như cá ngừ đại dương xuất khẩu sang Nhật có giá trị rất cao nhưng ít thấy DN Nhật đến hợp tác đánh bắt, xuất khẩu” - ông Vinh nhìn nhận.

Về du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng từ năm 2013 đến nay, du khách Nhật đến Khánh Hòa bỗng dưng giảm đột ngột. Theo đó, năm 2016, du khách Nhật đến đây chỉ khoảng 15.000 lượt, giảm hơn 45% so với năm 2013.

Ông Yasuhiko Yoshida, Phó Cục trưởng Cục Chính sách thương mại - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, nhận định việc du khách Nhật đến Khánh Hòa giảm có thể do việc quảng bá chưa hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN