Áp lực nợ xấu

Lãnh đạo Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho rằng, năm 2014 sẽ là năm nhiều áp lực với đơn vị này trong việc xử lý nợ xấu. Bài toán không hề dễ với VAMC chính là làm thế nào để bán, xử lý được các khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng đã mua về.

Áp lực

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, tính đến hết 31/12/2013, VAMC đã mua lại tổng cộng 38.000 tỷ đồng nợ xấu giá gốc với giá mua thực tế là 31.500 tỷ đồng từ 34 tổ chức tín dụng.

Theo đại diện VAMC, kế hoạch năm 2014, VAMC sẽ tiếp tục mua thêm khoảng 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Bên cạnh phải lo việc tiếp tục thực hiện mua nợ xấu, điều khiến đơn vị này áp lực nhất chính là làm thế nào để bán, xử lý, giải quyết được những khoản nợ đã mua về chứ không thể cứ mua nợ xấu về rồi để đấy.

Áp lực nợ xấu - 1

Xử lý, bán lại các khoản nợ xấu đã mua sẽ là áp lực lớn đối với VAMC trong năm 2014. Ảnh: Như Ý.

Theo đó, VAMC tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trong năm 2014. Song hành cùng đó là phải tính toán xây dựng đề án mua nợ theo giá thị trường. Kèm theo đề án này là những quy định về việc mua hẳn, bán hẳn các khoản nợ xấu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề liên quan yếu tố, trong đó có cả yếu tố pháp lý, cần giải quyết. Chẳng hạn, để VMAC có thể mua bán nợ, theo ông Hùng, cần phải tăng vốn lên khoảng 2.000 tỷ đồng thay cho 500 tỷ đồng như hiện tại. Trường hợp không được bổ sung vốn thì buộc VAMC phải xây dựng phương án vay vốn với thời gian dài tối thiểu 5 - 7 năm để có “nguồn” kinh doanh.

Còn về khía cạnh pháp lý phải giải các vấn đề như: Đấu giá nợ xấu thế nào? Phát mại ra sao, tài sản đảm bảo như thế nào để trở thành tài sản hoàn chỉnh, bán khoản nợ tương đối đảm bảo; rồi bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì cơ chế ra sao, tỷ lệ tham gia vốn doanh nghiệp thế nào; tái cấu trúc khoản nợ ra làm sao….

Theo ông Hùng, giải pháp với các khoản nợ xấu đã mua được VAMC tính tới là việc có thể kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào để tham gia tái cấu trúc những doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Với những doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi thì phải tìm cách xử lý bằng cách phát mại, hóa giá tài sản.

“Hiện có tổ chức quốc tế đã đề nghị với VAMC là sẽ làm trung gian để kết nối các nhà đầu tư trong việc mua bán nợ của Việt Nam. Nếu chấp thuận đề nghị này thì những ai muốn mua, bán nợ của Việt Nam phải qua tổ chức này. Cũng có những tổ chức đề nghị VAMC thành lập công ty liên doanh về mua bán nợ. Họ sẽ đứng ra tổ chức, thậm chí bỏ vốn vào để xử lý nợ. Trách nhiệm đã giao dù khó mấy cũng phải làm. Kết quả làm đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cũng phải làm hết khả năng”, ông Hùng cho biết.

Cần xóa sở hữu chéo

Trao đổi với báo chí ngày 21/1, ông Lê Đức Thọ, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính tới cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm xuống còn 3,79%, giảm gần 1% so với hồi đầu năm 2013.

Đại diện NHNN cho biết, năm 2014 xử lý nợ xấu vẫn là mục tiêu quan trọng hàng đầu được NHNN đặt ra trong nhiệm vụ của mình. “Năm 2014 NHNN sẽ tiếp tục xử lý nhanh hơn các khoản nợ xấu, xử lý có kết quả các khoản nợ này để đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống mức phù hợp. Đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng”, ông Lê Đức Thọ khẳng định.

“Cơ chế sinh ra nợ xấu ở đây chính là sở hữu chéo, là cách tăng trưởng dựa vào vốn mà không giám sát, dàn trải đầu tư. Chừng nào chúng ta vượt qua được những điều này thì khi đó nền kinh tế mới căn bản tránh được rủi ro do những nguyên nhân đó gây ra. Còn nếu cứ hì hục xử lý nợ xấu có lập ra 10 VAMC thì điều đó cũng chưa chắc là nợ xấu được giải quyết”.

PGS.TS Trần Đình Thiên

Trao đổi với PV, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần phải nói một cách sòng phẳng về nợ xấu của ngân hàng. Dù phải tin vào các số liệu nợ xấu do Ngân hàng nhà nước công bố, nhưng chúng ta vẫn có quyền đặt câu hỏi số liệu đã chính xác chưa. Ở đây, cần xác định đúng trạng thái của nền kinh tế để giải quyết nợ xấu.

Theo ông Thiên, vấn đề chính hiện nay là có những thứ xấu hơn nợ xấu và thứ hai là cần phải có số liệu chính xác hơn về nợ xấu vì thường ai có nợ xấu thì sẽ vẫn giấu, không công khai. Chuyện này là bình thường. “Vấn đề nữa là chúng ta xử lý được nợ xấu mà không xử lý được cơ chế sinh ra nợ xấu thì khi đó không thể giải quyết được vấn đề, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn rủi ro”, ông nói.

Phó Tổng Giám đốc bộ phận kiểm toán một công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng, cần thực chất việc VAMC mua nợ xấu của ngân hàng và thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt về cơ bản không giúp cải thiện đáng kể tình hình tài chính thực của ngân hàng bán nợ. Đây chỉ là biện pháp kỹ thuật có thể cho phép giảm số liệu nợ xấu được báo cáo trên báo cáo tài chính của ngân hàng được lập theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt Nam.

Nói cách khác, dùng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua nợ xấu chỉ giúp loại bỏ các khoản nợ này ra khỏi bảng cân đối kế toán ngân hàng với chuẩn mực kế toán Việt Nam, còn chuẩn mực quốc tế thì không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên - Ng.Hạnh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN