Áp lực minh bạch, ngân hàng sắp ồ ạt lên sàn
Theo quy định của Chính phủ, các ngân hàng phải đăng ký giao dịch tập trung trước cuối năm 2016. Cho đến nay, có 2 ngân hàng thông báo được chấp thuận đăng ký giao dịch tập trung cổ phiếu trên UPCoM - đó là Techcombank và VIB. Dự báo năm 2017 sẽ là năm giới nhà băng buộc phải ồ ạt lên sàn trước áp lực từ cơ quan quản lý.
Thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nơi quản lý sàn UpCoM, kể từ khi Nghị định 145 được ban hành (1/11/2016), tình hình đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung (UPCoM) của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa được cải thiện rõ rệt, hơn 50 doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM tại HNX trong vòng 2 tháng cuối năm 2016.
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa trở thành nhà băng đầu tiên thông báo về kế hoạch đăng ký giao dịch tập trung. Theo đó, Techcombank đã được trung tâm lưu ký chứng khoán chấp thuận đăng ký giao dịch tập trung 887,8 triệu cổ phiếu trên UPCoM. (mã chứng khoán: TCB)
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng VIB. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa thông tin đã được chấp thuận và đang chuẩn bị niêm yết 564,4 triệu cổ phiếu trên sàn Upcom vào đầu tháng sau sau khi được Trung tâm lưu ký cấp mã chứng khoán.
VIB hiện được giao dịch quanh mức giá 15.000đ-16.000đ trên thị trường OTC. Đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần. Theo đó, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các NHTM đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trước đó, tháng 7/2014, NHNN và Ủy ban chứng khoán tiếp tục nhắc chủ trương và lộ trình trong năm 2015, tất cả các ngân hàng phải niêm yết.
Trước VIB và Techcombank đã có những ngân hàng như Kienlongbank, OCB, VPBank, MaritimeBank... và cả ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt DongABank đã có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM. Đầu năm 2015, HDBank hay Nam A Bank từng có ý định lên sàn HOSE. Tuy nhiên, đến nay đại đa số đều trì hoãn với lý do thị trường chưa thuận lợi, giá cổ phiếu quá thấp không đảm bảo quyền lợi cổ đông (nhiều ngân hàng giá cổ phiếu trên thị trường OTC nằm bệt dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).
Tại ĐHCĐ 2016 của VPBank tháng 4/2016, một cổ đông đã hỏi về việc bao giờ VPBank lên sàn? Khi đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, theo quy định, hết năm 2016, VPBank phải niêm yết trên sàn UPCoM. Do đó, VPBank hiện đang tiến hành các thủ tục và chờ hướng dẫn của Ủy ban chứng khoán. Tổng giám đốc ABBank - ông Cù Anh Tuấn, cũng cho biết Ngân hàng An Bình đang làm thủ tục hồ sơ để đưa ABBank lên giao dịch trên sàn UPCoM.
Tại Nghị đinh 145/2016/NĐ-CP vừa được ban hành, Chính phủ quy định rõ mức xử phạt với hành vi vi phạm quy định niêm yết, đăng ký giao dịch. Doanh nghiệp niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng hạn sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh lên sàn niêm yết kể cả trên UPCoM cũng giúp doanh nghiệp minh bạch sổ sách và thuận lợi rất nhiều. Theo ông Sơn, đây không chỉ là xu hướng mà còn là quy định bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ.
Trên sàn chứng khoán niêm yết chính thức hiện đang có 7 cái tên là các ngân hàng Vietcombank; VietinBank, BIDV, ACB, Sacombank, Eximbank, SHB. Dự báo, dù muốn hay không, năm 2017, chắc chắn sẽ có nhiều ngân hàng buộc phải niêm yết trên UPcoM. Theo HSC, những ngân hàng như VIB, OCB và HD Bank là những ngân hàng có hoạt động quản trị, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản tốt nhất và có thể tới đây cũng phải tính đến việc niêm yết. Một số ngân hàng không niêm yết thời gian tới, nhiều khả năng có thể phải đưa vào diện cần tái cơ cấu. |