Áp giá sàn vé máy bay, người tiêu dùng thiệt
Giới chuyên gia cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay là tạo rào cản đối với hoạt động giảm giá thành, triệt tiêu cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng
Đề xuất của một số hãng hàng không về việc sửa đổi khung giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa theo hướng quy định cả mức giá trần và giá sàn đang gây chú ý dư luận. Điều quan trọng là người tiêu dùng lợi, thiệt ra sao từ đề xuất thay đổi chính sách giá này.
Triệt tiêu cạnh tranh
Từ trước tới nay, nhà nước chỉ khống chế mức trần để bảo đảm không có tình trạng hãng hàng không bán giá quá cao và không khống chế mức giá thấp nhất bán ra thị trường (giá sàn). Chính sách hiện hành quy định trần giá vé máy bay đối với 5 nhóm đường bay nội địa, trong đó đường trục Hà Nội - TP HCM không được bán quá 1,15 triệu đồng/vé/chiều (chưa có thuế, phí), còn mức sàn là 0 đồng.
Việc khống chế giá sàn vé máy bay ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng Ảnh: PHƯƠNG ANH
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tính đến khả năng sửa đổi khung giá vé máy bay theo hướng nâng mức trần, quy định mức sàn và đề nghị các hãng hàng không tính toán, đề xuất. Trên cơ sở tính toán chi phí thực tế, Jetstar Pacific đề xuất mức sàn 1,1 triệu đồng/vé/chiều; Vietnam Airlines (VNA) đề xuất 1,54 triệu đồng/vé/chiều. Riêng Vietjet Air đề xuất có thể nới trần nhưng không áp dụng mức sàn để thị trường tự do cạnh tranh.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính), phân tích có 2 hình thức định giá. Một là nhà nước quản lý giá trực tiếp, hai là để thị trường định giá. Đối với ngành hàng không, nhà nước quy định giá trần cũng tương tự như mức giá cơ sở của thị trường xăng dầu là phù hợp với Luật Giá. Thị trường hàng không nội địa không còn độc quyền nhưng vẫn có doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh thị trường, có khả năng nâng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng nên phải quy định giá trần để tránh tăng vượt mức. Tuy nhiên, quy định giá sàn là không đúng vì giá sàn chỉ áp dụng cho trường hợp DN mua có nguy cơ thao túng thị trường, chèn ép người bán để mua sản phẩm với giá thấp, gây thiệt hại cho người sản xuất. Như vậy, giá trần là để quy định đối với DN bán sản phẩm dịch vụ, còn giá sàn là để quy định đối với DN mua sản phẩm dịch vụ. Nếu áp giá sàn trái quy định sẽ tạo rào cản đối với hoạt động giảm giá thành, tiến tới triệt tiêu cạnh tranh.
Chưa có khả năng bán phá giá
Gần đây, một số hãng hàng không lo ngại nguy cơ ồ ạt bán vé máy bay giá rẻ dẫn đến khả năng cạnh tranh bán dưới giá thành, ảnh hưởng đến chỉ tiêu doanh thu và đầu tư vào công tác bảo đảm an toàn khai thác. Cũng có ý kiến đề cập đến tình trạng tăng trưởng nóng của các hãng hàng không, sản lượng vận tải khách tăng rất cao, trong khi năng lực đáp ứng về cơ sở hạ tầng có hạn, dẫn đến tình trạng quá tải và từ đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, thậm chí là công tác bảo đảm an toàn bay. Đó cũng là những lý do để hãng hàng không đề xuất cơ chế giá sàn như một công cụ để bảo đảm phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng vấn đề duy nhất cần điều chỉnh trong chính sách quản lý giá vé máy bay là bỏ trần. “Trần vé máy bay được áp dụng trong trường hợp thị trường có tình trạng độc quyền. Hiện nay, thị trường hàng không đang cạnh tranh rất tốt, hãng mới chia sẻ thị phần và vươn lên rất nhanh kéo theo sự thay đổi của mô hình hàng không truyền thống. Thị trường không còn độc quyền nên không có lý do gì để tiếp tục duy trì chính sách giá trần. Còn đề nghị áp giá sàn là không cần thiết. Giá sàn chỉ có tác dụng để ngăn ngừa bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường hàng không Việt Nam vừa qua đã cạnh tranh giảm giá rất mạnh nhưng để tạo ra nhiều phân khúc giá thấp đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, không có dấu hiệu bán phá giá” - ông Ánh nhấn mạnh.
Không ủng hộ quan điểm áp giá sàn, một chuyên gia hàng không cho rằng điều đáng lo ngại ở nước ta không phải là các hãng hàng không bán nhiều vé máy bay giá rẻ mà là việc một số hãng hàng không bán vé sát ngày bay rẻ hơn vé xa ngày bay. Họ làm như vậy với mục đích giành giật hành khách của nhau. Nhưng cách làm này trái với mọi nguyên lý kinh doanh hàng không, gây bất bình cho những hành khách mua vé sớm với giá vé cao hơn những hành khách mua vé muộn hơn (đúng ra phải ngược lại). Đồng thời, gây ra tình trạng hành khách không muốn mua vé máy bay xa ngày bay mà chờ các hãng hàng không “xả hàng” sát ngày bay (lẽ ra cần khuyến khích hành khách mua vé máy bay xa ngày bay). Nguy hiểm hơn, nó gây rối loạn, thậm chí vô hiệu hóa các hệ thống quản trị doanh thu hiện đại mà các hãng hàng không đầu tư hàng triệu USD. “Tôi cho rằng các hãng hàng không cần chấm dứt cách làm lợi bất cập hại này” - vị này phân tích.
Vẫn được khuyến mãi “khủng” Bộ phận quản trị doanh thu của một hãng hàng không cho biết áp sàn giá vé máy bay không có nghĩa là phải chấm dứt tình trạng khuyến mãi “khủng” với giá 0 đồng, 5.000 đồng, 90.000 đồng như các hãng giá rẻ vẫn áp dụng hằng ngày bởi chương trình khuyến mãi được áp dụng theo các quy định về khuyến mãi giảm giá của Luật Thương mại. Đối với hoạt động hàng không truyền thống cũng áp dụng chính sách đa dạng hóa giá vé. Mức giá cao của khoang phổ thông chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng bán, mức giá thấp nhất chiếm tới 60%. |