Áp giá sàn, hàng không giá rẻ sẽ ‘chết’!
Jetstar Pacific Airlines lý giải đề xuất áp mức giá sàn vé máy bay là để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ.
Góp ý cho dự thảo về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa do Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, một số hãng hàng không kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay, đồng thời áp mức giá sàn nhằm ngăn ngừa hiện tượng cạnh tranh bằng giá rẻ.
Bảo vệ quyền lợi các hãng
Đại diện hãng hàng không Vietjet Air đề nghị nên bỏ luôn giá trần. Lý do thị trường dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường không đang cạnh tranh gay gắt buộc các hãng phải đưa ra giá vé phù hợp để giữ khách nên việc quy định giá trần là không cần thiết, không còn phù hợp với thực tế. “Nhà nước chỉ quản lý, giám sát giá dịch vụ chứ không nên quy định giá trần để tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường” - doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Trong khi đó, hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) không những ủng hộ việc tăng giá trần mà còn đề nghị áp mức giá sàn vé máy bay để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ. Theo đó, giá sàn cho năm nhóm đường bay chỉ được dao động từ 29% đến 34% so với giá trần. Dẫn số liệu cho thấy mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2014-2016, doanh nghiệp này cho rằng để tồn tại các hãng hàng không đã phải liên tục giảm giá vé, có khi thấp hơn giá thành và thậm chí còn thấp hơn giá vé đường sắt, đường bộ.
Đại diện một hãng hàng không chia sẻ ngành hàng không hiện nay không còn hiện tượng một hãng độc quyền, mà thị trường này luôn có sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Việc đặt ra giá sàn nhằm bảo vệ quyền lợi của các hãng. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc hết thời của hàng không giá rẻ, mà các hãng muốn áp dụng chương trình khuyến mãi nào thì phải đăng ký với cơ quan quản lý.
Nếu áp giá sàn, người có thu nhập thấp khó tiếp cận dịch vụ hàng không giá rẻ. Ảnh: HỒNG TRÂM
Hành khách bình dân hết mơ đi máy bay
Chị Phạm Hoàng Mai, chủ một đại lý bán vé máy bay ở quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: “Tôi nghe thông tin về việc tăng giá trần, đặt giá sàn vé máy bay mà lo lắng. Bởi lẽ lúc ấy sẽ hết thời cho vé máy bay giá rẻ vì tất cả các hãng đều có một mức giá sàn để bán vé. Hành khách bình dân sẽ ngại đi máy bay hơn bây giờ”.
Anh Nguyễn Minh Huỳnh, ngụ quận Tân Phú, nhân viên kinh doanh du lịch, cho rằng nếu các hãng điều chỉnh tăng giá trần, đặt ra giá sàn thì làm sao người có thu nhập chưa cao dám mơ tưởng đến việc đi máy bay. “Tôi kinh doanh tour du lịch, việc tăng giá vé máy bay làm chi phí tour tăng đáng kể. Việc này khiến khách hàng lưỡng lự khi mua tour. Nói chung, tôi mong muốn nhà quản lý làm gì cũng nên lấy ý kiến người dân để đảm bảo quyền lợi không chỉ cho các hãng mà cả những người làm nghề liên quan như chúng tôi” - anh Huỳnh nói.
Không chỉ hành khách bày tỏ lo lắng, việc đề nghị đặt ra giá sàn vé máy bay cũng đã vấp phải sự không đồng tình của hãng hàng không khác. Đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho rằng: “Theo thống kê, số hành khách nội địa của các hãng hàng không hiện nay vào khoảng trên dưới 10 triệu lượt/năm. Trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người. Như vậy vẫn còn hơn 80 triệu dân Việt Nam (tương đương 90% dân số) chưa thể tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá vé máy bay còn cao so với thu nhập của họ. Việc quy định giá sàn vé phổ thông trên các đường bay nội địa đồng nghĩa với việc triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không. Đồng thời hạn chế cơ hội tiếp cận dịch vụ hàng không của hơn 80 triệu dân Việt Nam”.
Định giá sàn là không sai nhưng... Các doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh, riêng ngành hàng không còn bị điều chỉnh bởi Luật Giá và Luật Hàng không dân dụng. Theo Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT”. Luật Giá (năm 2012) từng quy định Nhà nước chỉ quy định khung giá đối với “dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền”, hiểu nôm na là tuyến nào độc quyền thì mới quy định khung giá nều cần quy định. Tuy nhiên, khi sửa Luật Hàng không dân dụng thì một số nội dung trong Điều 19 của Luật Giá cũng được sửa đổi, bổ sung luôn. Theo quy định sửa đổi thì Nhà nước có quyền định khung giá đối với “giá dịch vụ hàng không khác”. Giá dịch vụ hàng không khác bao gồm giá vận chuyển (giá vé máy bay), theo Điều 11 luật này. Như vậy, về pháp lý, việc có khung giá, giá sàn, giá trần cho vé máy bay là không trái pháp luật. Xét về tình, người tiêu dùng dễ “chạnh lòng” khi thấy mình không được hưởng giá vé cực rẻ nữa. Đấy là có ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt của người tiêu dùng. Tuy nhiên, xét về góc độ cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng còn được tính toán về lâu dài, tương quan với quyền lợi của doanh nghiệp và an ninh, an toàn của từng ngành. Ngành hàng không là một ngành đặc thù, trong đó việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới là rất khó khăn vì vốn đầu tư lớn, kỹ thuật công nghệ cao, liên quan đến an ninh, an toàn. Việc Nhà nước giữ quyền can thiệp bằng khung giá là cần thiết để bảo đảm cho doanh nghiệp trong ngành tồn tại được, tránh tình trạng hãng lớn ra giá “hủy diệt” để loại bỏ đối thủ. Việc ra giá rẻ thì có lợi cho người tiêu dùng ngay lập tức nhưng khi đối thủ bị hủy diệt, “ông lớn” giành vị thế độc quyền thì sẽ rất có hại cho người tiêu dùng. Vấn đề mà tôi nghĩ cần xem xét là khung giá đấy, giá sàn đấy là có hợp lý hay không, ở mức bao nhiêu. Vấn đề này có lẽ các chuyên gia về hàng không, các cơ quan quản lý nắm số liệu về chi phí, giá thành, giá bán của các hãng hàng không sẽ biết rõ để định ra một mức sàn hợp lý, vừa bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, vừa mang tính thúc đẩy cạnh tranh mà không gây hủy diệt cho bất cứ hãng hàng không nào. TS NGUYỄN NGỌC SƠN, Trưởng khoa Luật ĐH Tôn Đức Thắng Q. NHƯ ghi Do giá nhiên liệu, thuế môi trường tăng Giải thích lý do tăng giá trần vé máy bay, một lãnh đạo CAA cho biết: “Hiện nay các đường bay nội địa dưới 500 km luôn phải áp dụng mức giá trần thấp hơn giá thành, buộc các hãng hàng không phải lấy doanh thu vận chuyển trên các tuyến đường dài để bù đắp chi phí, duy trì hoạt động của các tuyến đường ngắn”. Do đó, theo vị này, việc tăng mức trần khung giá vé máy bay nội địa, đặc biệt đối với một số tuyến đường dài là cần thiết, với mức tăng trung bình 11,8%. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định việc áp giá sàn vé máy bay mới chỉ là đề xuất của một hãng hàng không. Ý kiến này được đưa ra trong quá trình góp ý cho dự thảo quy định mức khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Cục Hàng không cũng đang trong quá trình tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo này. Trong dự thảo, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất tăng mức giá tối đa lên 4.250 đồng/khách/km, đẩy mức giá trần vé máy bay hạng phổ thông lên thêm 7%-16% tùy nhóm đường bay. |