Ăn nên làm ra nhờ… căn hộ siêu nhỏ

Nhiều doanh nghiệp ở Hong Kong đã ăn nên làm ra nhờ tận dụng xu hướng căn hộ dạng nano...

Để thích ứng với tình cảnh đất chật người đông, người dân đặc khu hành chính Hong Kong đã buộc phải chấp nhận sống trong những căn hộ dạng nano (siêu nhỏ) với diện tích chỉ dao động trong khoảng từ 10 - 35m2. Song “cái khó ló cái khôn”, rất nhiều doanh nghiệp tại đây đã ăn nên làm ra nhờ tận dụng xu hướng nhà này.

“Thà nhà siêu nhỏ còn hơn màn trời chiếu đất”

Vài năm qua, người Hong Kong đã dần quen với cảnh sống trong những căn hộ siêu nhỏ. Gần một nửa số căn hộ được xây mới và hoàn thành tại thành phố này trong năm nay có kích thước không quá 37m2 - theo ước tính của chính quyền đặc khu.

Dù diện tích chật hẹp nhưng những căn nhà này không hề rẻ. Giá trung bình của một căn hộ nhỏ hơn 40m2 tại Hong Kong rơi vào khoảng 2.051 USD/m2 (tương đương 47 triệu VND/m2) - thông tin từ Cơ quan Định giá và Xếp hạng Hong Kong.

Tính đến năm 2020, thành phố này sẽ chứng kiến ít nhất 2.100 căn hộ siêu bé, tương đương 510 căn hộ mới loại này được xây dựng một năm, cao gấp 5 lần so với số liệu hàng năm trong giai đoạn 2014 - 2016.

Số liệu này phản ánh đúng nhu cầu tìm nhà của đại đa số người dân Hong Kong hiện nay. Khảo sát từ Tập đoàn REA, một công ty quảng cáo điện tử chuyên về bất động sản cho thấy, gần một nửa trong số 1.003 người được hỏi đều đang tìm kiếm những căn hộ nano.

Giám đốc, người sáng lập chuỗi giặt là Sunshine 24 nổi tiếng tại Hong Kong, ông Ringo Wong Tat-keung cho biết: “Ngày càng có nhiều người phải sống trong những ngôi nhà siêu nhỏ. Họ đã chấp nhận một ngôi nhà như vậy còn hơn phải sống cảnh màn trời chiếu đất”.

Ăn nên làm ra nhờ… căn hộ siêu nhỏ - 1

Những căn nhà nano vô cùng chật hẹp tại Hong Kong

Nở rộ dịch vụ ăn theo căn hộ siêu nhỏ

Nhiều người Hong Kong sống trong những ngôi nhà nhỏ không có lựa chọn nào ngoài việc phải thuê các dịch vụ bên ngoài như giặt là, nấu nướng vì những sinh hoạt tưởng chừng đời thường này lại là quá sức với diện tích căn hộ mà họ đang ở.

John Luo, một người dân địa phương chia sẻ: Anh thường phải dồn quần áo để đi giặt 1 - 2 tuần/lần vì căn nhà chỉ vẻn vẹn 10m2 của hai vợ chồng anh không đủ chỗ chứa những thiết bị điện tử như máy giặt. Cô Choi Tse ha, một nhân viên rửa bát tại nhà hàng, sống cùng chồng trong một ngôi nhà nhỏ chỉ hơn 10 m2 cho biết: “Nơi tôi ở thực sự không phải là nhà mà chỉ là chỗ để ngủ. Tôi cố gắng lang thang bên ngoài nhiều nhất có thể để đỡ phải về nhà. Mỗi lần bước vào căn phòng bé hẹp, tôi lại cảm thấy bức bối”.

Vừa về đến nhà, cô Choi lại trốn khỏi căn phòng chật hẹp xuống phòng giặt là gần đó để tận hưởng một chút thời gian nghỉ ngơi. “Ở đó có điều hòa. Ít nhất tôi có thể ngồi tận hưởng không khí mát mẻ, chờ quần áo được giặt xong”, cô chia sẻ.

Nắm bắt xu hướng và tâm lý trên, những người nhanh nhạy như ông Wong đã biết cách tận dụng để mở các dịch vụ đời sống dành cho những hộ gia đình quá chật không đủ chỗ để lắp máy giặt, bếp nấu, tủ quần áo, ti vi và các thiết bị như ở một căn nhà bình thường khác.

Chẳng hạn, họ cung cấp dịch vụ bữa ăn với canh Trung Quốc truyền thống, khu giặt là 24 giờ có máy lạnh, máy bán hàng tự động, wi-fi miễn phí và ghế ngồi thoải mái để khách hàng sử dụng. Dù mới chỉ ra mắt khoảng 4 năm nhưng doanh nghiệp giặt là của ông Wong đã có mặt ở hơn 70 địa điểm, có những cửa hàng phát triển với tốc độ 200%.

Alfred Locker - công ty chuyên cung cấp dịch vụ lưu kho là một doanh nghiệp khác mới nổi nhờ xu hướng nhà nano. Ban đầu, công ty này được thành lập như một công ty logistics vào năm 2014 nhưng gần đây họ đã giới thiệu các dịch mới như giao những bữa ăn lành mạnh nóng hổi, hoa quả tươi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ kho.

Nhà đồng sáng lập Christian Secci cho biết: “Thị trường nhà ở này cần phải có một nền tảng đủ sức tích hợp với các dịch vụ phục vụ đời sống cùng lúc”. Theo ông Secci, khách hàng mà công ty nhắm tới là “những người bận rộn bị hạn chế thời gian và không gian sống”. Dù mới mở dịch vụ mới từ tháng 4 nhưng công ty này đã mở rộng từ 53 lên 64 cửa hàng tại Hong Kong.

Mặt khác, đối với các nhà phát triển bất động sản, những công ty như Alfred Locker là đối tác tốt để thu hút khách hàng chịu sống trong những ngôi nhà chật hẹp. “Nếu muốn đạt lợi nhuận, họ cần phải cung cấp cho khách hàng chất lượng cuộc sống tốt hơn”, Giám đốc điều hành Alfred Locker, ông Matthew Ng Shu-ki chia sẻ.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN