Ấn Độ có quá nhiều tỷ phú?

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi 2 nhà kinh tế học Aditi Gandhi và Michael Walton đã phác họa bức tranh rõ nét hơn về các tỷ phú Ấn Độ.

Nền kinh tế Ấn Độ có đang đi đúng hướng hay có mạnh mẽ hay không vẫn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có 1 sự thực không thể chối cãi: kể từ khi Ấn Độ bắt đầu thực hiện các biện pháp mở cửa nền kinh tế vào năm 1991, số lượng tỷ phú của nước này đã tăng lên mạnh mẽ. Không chỉ có vậy, lượng của cải của họ cũng tăng lên nhanh chóng.

Thậm chí, hiện tượng này thường được so sánh với những gì nước Mỹ đã trải qua trong nửa sau của thế kỷ 19. Thời kỳ này đã được những nhà văn như Mark Twain và Charles Dudley Warner miêu tả là “thời kỳ mạ vàng” của nước Mỹ với những nhà tư bản công nghiệp giàu có và đầy quyền lực.

Theo danh sách các tỷ phú thế giới trong năm 2012 được tạp chí lừng danh Forbes biên soạn, Ấn Độ có tổng cộng 48 tỷ phú trên tổng số 1.153 tỷ phú của thế giới, tương đương với 4%. Trong khi đó, Ấn Độ đóng góp 2,6% (theo tỷ giá danh nghĩa) hoặc 5,7% (theo tỷ giá tính theo phương pháp ngang giá sức mua) trong sản lượng công nghiệp toàn cầu.

Nếu như dựa vào phép toán này, có thể nhận thấy số lượng tỷ phú tương đương với quy mô của nền kinh tế Ấn Độ trong tổng thể kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn, 1 bức tranh hoàn toàn khác dần dần hiện ra.

Trong một nghiên cứu mới đây, hai nhà kinh tế học Aditi Gandhi (người đã từng làm việc trong Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi) và Michael Walton (chuyên gia đến từ ĐH Harvard) đã cố gắng phân tích nguồn gốc của cải của các tỷ phú Ấn Độ cũng như xem xét mức độ giàu có của họ trong tương quan với bối cảnh nền kinh tế nước này.

Các dữ liệu cho thấy tỷ trọng tài sản của các tỷ phú Ấn Độ so với tổng thu nhập quốc dân đã tăng trưởng rất ấn tượng, từ mức chưa đến 1% trong năm 1996 lên đến 22% trong năm 2008. Trong những năm gần đây, con số cũng giảm đi do khủng hoảng tài chính toàn cầu và TTCK lao dốc không chỉ ở Ấn Độ mà ở trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ của năm 2012 cũng xấp xỉ 10%.

Đây là mức thấp hay cao so với các nước khác? Tỷ lệ này tương đương với mức của Mỹ và Mexico – nơi tài sản của các tỷ phú bằng khoảng 10% tổng thu nhập quốc dân. So với các nước khác trong khối BRICs, tỷ lệ này là khá cao. Ở Trung Quốc và Brazil, con số ở gần mức 5%. Chỉ có duy nhất Nga là nước có tỷ lệ cao hơn, lên đến 20%. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu bởi nước Nga nổi tiếng với các “bố già”.

Nghiên cứu của 2 nhà kinh tế học cũng chỉ ra rằng 43% tỷ phú Ấn Độ đến từ các ngành đạt được lợi nhuận ở trên mức bình thường do có được một số lợi thế vượt trội. Hơn nữa, nhóm tỷ phú này đang nắm giữ tới 60% tổng số tài sản của giới tỷ phú Ấn Độ.

Danh sách của Forbes nêu tên rất nhiều tỷ phú trong các lĩnh vực này: bất động sản, xây dựng, cơ sở hạ tầng, truyền thông, xi măng và khai mỏ. Đây là những ngành nhận được nhiều ưu ái của chính phủ. Ví dụ, ngành bất động sản của Ấn Độ được cho là tồn tại rất nhiều “giao dịch đen”. Mối quan hệ giữa các chính trị gia và trùm bất động sản đã được bộc lộ qua một số vụ phạm tội bị phanh phui gần đây.

Một điều thú vị khác là phần lớn các tỷ phú của Ấn Độ đều là các tỷ phú tự thân. 40% trở thành tỷ phú nhờ thừa kế tài sản từ gia đình. Không có gì đáng ngạc nhiên, các tỷ phú tự thân tập trung ở ngành công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là trong khi mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tài sản của các tỷ phú tự thân là cùng chiều, mối quan hệ lại là ngược chiều khi xét đến tài sản của nhóm tỷ phú còn lại. Không thể xác lập quan hệ nhân quả trong trường hợp này. Tuy nhiên, có thể nói đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế được tạo ra bởi các tỷ phú tự thân năng động hơn.

Giống như bài bình luận được đăng tải trên tờ Financial Times của chuyên gia tư vấn đầu tư Jayant Sinha và giáo sư chính trị học Ashutosh Varshneya, khu vực kinh tế tư nhân của Ấn Độ cần phải được cải cách sâu rộng nhằm giảm bớt tình trạng bè phái và tham nhũng đồng thời phá bỏ mối quan hệ giữa các chính trị gia và các tỷ phú.

Hơn nữa, kể cả ở Mỹ, tầm quan trọng cũng như những ảnh hưởng của các tỷ phú đối với nền kinh tế và tình trạng chênh lệch giàu nghèo cũng đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trong bối cảnh nền kinh tế đang ở trong giai đoạn cải cách và ở bước đầu phát triển như ở Ấn Độ hiện nay, chênh lệch giàu nghèo quá lớn sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế là bài học cực kỳ quan trọng.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương (Trí thức trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN