7 năm để tiêu thụ 70.000 căn hộ tồn kho

Với quan ngại tồn kho bất động sản đang là nơi “chôn” vốn, nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý ở lĩnh vực này.

Tại bản tham luận về kinh tế Việt Nam 2012 tại Diễn đàn kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 28 và 29/9/2012.

Dẫn tính toán của bộ phận nghiên cứu thuộc Dragon Capital, cả Tp.HCM và Hà Nội mỗi nơi có khoảng hơn 35 nghìn căn hộ sẵn sàng để bán. Trong trạng thái thị trường đóng băng hiện nay, có thể coi đây chính là lượng hàng tồn kho bất động sản, mà theo nhóm nghiên cứu chắc là chưa đầy đủ.

Giả dụ giá trị mỗi căn hộ chỉ là 1 tỷ đồng, thấp xa so với mức giá đã được bán trong 2-3 năm trước thì lượng vốn bị tồn kho ở đây đã lên đến 70.000 tỷ đồng, còn nếu mức giá là 2 tỷ đồng thì số vốn bị “chôn” lên tới 140.000 tỷ đồng.

Đây là con số khổng lồ và có lẽ nó không quá xa con số thực. Và hệ lụy mà nó gây ra cho nền kinh tế cũng như mức độ rủi ro mà nó đe dọa hệ thống ngân hàng chắc còn vượt con số của chính nó, Viện trưởng Trần Đình Thiên quan ngại.

Bản tham luận cũng dẫn các con số thống kê từ 69 công ty bất động sản niêm yết cho thấy, đến quý 4/2011 các công ty này đang gánh một khoản nợ vay khoảng 67.000 tỷ đồng và chi phí lãi vay mỗi năm là 13.400 tỷ đồng. Song đáng báo động là trong cơ cấu nợ vay, khoản vay ngắn hạn trong quý 4 đã tăng lên 26.400 tỷ đồng. Cũng có nghĩa, các công ty này phải có 39.800 tỷ đồng để trả nợ vay đến hạn và lãi vay trong năm 2012.

Trong khi đó, vẫn theo phân tích của các tác giả, thì lượng tiền mặt còn lại tại 69 công ty chỉ đủ để trả ¼ số nợ trên và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước lãi vay và thuế chỉ bằng 1/3 chi phí lãi vay mỗi năm. Mối tương quan này cho phép xác định lượng nợ xấu thực rất lớn đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và hệ thống ngân hàng.

Từ thực trạng này, các tác giả tham luận lưu ý thêm, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chắc chắn lớn hơn con số 69 đang niêm yết rất nhiều. Và ít có cơ sở để tin rằng thực trạng tài chính của các doanh nghiệp chưa niêm yết tốt hơn 69 doanh nghiệp niêm yết nêu trên.

Điều đáng quan ngại nữa, báo cáo của Dragon Capital nhận định nếu không có giải pháp để kích cầu mua căn hộ, có lẽ cần ít nhất 7 năm mới tiêu thụ hết lượng căn hộ tồn kho hiện nay. “Nghĩa là thời điểm đích cho việc giải quyết nợ xấu bất động sản hãy còn khá xa”, Viện trưởng Thiên bình luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN