500 tấn vàng trong dân: Huy động trả lãi hay mặc kệ?
500 tấn vàng đang “nằm dưới gối” người dân Việt Nam có đang bị lãng phí cần huy động hay... mặc kệ nó?
500 tấn vàng đang “nằm dưới gối” người dân Việt Nam
Ý kiến trái ngược của chuyên gia kinh tế với Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) về kiến nghị của tổ chức này lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia, nhằm huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với thói quen tích trữ vàng của người Việt, hiện có khoảng 500 tấn vàng đang “nằm dưới gối” người dân Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, huy động được 500 tấn vàng trong dân sẽ là nguồn lực kinh tế đáng kể. Bên cạnh đó, VGTA kiến nghị mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang, giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về mức 0%.
Và NHNN cũng có thể xem xét dùng số vàng huy động được để thế chấp vay ngoại tệ của nước ngoài, nhằm phục vụ sản xuất trong nước.
“VGTA đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và NHNN xem xét việc huy động 500 tấn vàng trong dân, vàng nhàn rỗi là nguồn lực kinh tế rất lớn. Tại sao chúng ta không tận dụng nguồn lực này mà để “chết” trong tủ sắt của dân? Như vậy rất lãng phí,” ông Nguyễn Thành Long nói.
Tuy nhiên, ý tưởng này lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối của một số chuyên gia kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), cần chấm dứt tư duy “huy động” vàng trong dân, đây là tư duy sai lầm dai dẳng và khó sửa.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, huy động vàng trong dân sẽ tăng mức độ vàng hóa nền kinh tế
Theo lý giải của TS. Nguyễn Đức Thành, khi vàng được cất giữ trong dân, nó giống như mọi tài sản khác, như nhà cửa, đồ đạc. Nó chỉ có giá trị ưu việt về cất giữ tài sản, nếu đồng ý để người dân gửi vàng vào ngân hàng lấy lãi suất, thì sẽ trao cho vàng thêm chức năng là phương tiện lưu thông như một loại tín dụng.
“Cũng như đô la, nếu vàng có thêm chức năng là phương tiện lưu thông như 1 loại tín dụng thì điều này đồng nghĩa với việc người dân thay vì buông ra sẽ càng tăng cường giữ nó, tức là làm tăng mức độ vàng hóa nền kinh tế. Trong khi NHNN trong thời gian qua đã mất rất nhiều công sức để làm một việc chưa có trong 25 năm nay, là loại vàng ra khỏi hệ thống tín dụng,” TS. Nguyễn Đức Thành phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, kế hoạch này không khả thi. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu quyết tâm thực hiện, NHNN nên chọn một số công ty tài chính hoặc ngân hàng uy tín đứng ra huy động, tránh việc cấp phép tràn lan gây nhiễu loạn thị trường.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc lập sàn giao dịch vàng cũng thế, không nên hiểu sàn giao dịch là cái chợ mua bán để ai cũng có thể tham gia giao dịch được. Nếu Nhà nước không độc quyền thì cũng nên chọn ra một số tổ chức có uy tín đứng ra giao dịch mua bán vàng.
Ý tưởng huy động vàng trong dân không phải là mới, trước đó, năm 2011, NHNN cũng đã ước tính có khoảng 500 tấn vàng đang được người dân nắm giữ. Thời điểm đó, NHNN đã đưa ra ý tưởng huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đã phải gác lại do vấp phải ý kiến phản đối của số đông, quan trọng hơn, người dân vẫn có thói quen tích trữ vàng và đặt niềm tin vào vàng, coi vàng như là kênh trú ẩn an toàn nhất.