50 thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam đáng giá bao tiền?
Tổng giá trị thương hiệu của Top 50 ở Việt Nam đến thời điểm này mới chỉ là 5,5 tỷ USD.
Hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance (thành lập năm 1996 tại London) vừa công bố danh sách 50 thương hiệu Việt Nam có giá trị lớn nhất năm 2015 (Vietnam Top 50 brands 2015). Theo đó, hầu hết thương hiệu đắt giá tại Việt Nam đều là những thương hiệu rất thông dụng, được nhiều người biết tới như Vinamilk, Viettel, Mobifone, FPT, Vietcombank...
Những tên tuổi đắt giá nhất thuộc về nhóm ngành tiêu dùng, viễn thông, ngân hàng, bất động sản. Vinamilk thống trị ngành sữa Việt Nam được định giá thương hiệu trên 1,1 tỉ USD, vượt qua rất xa so với thương hiệu xếp thứ 2 là Viettel (580 triệu USD). Các hãng như Mobifone có giá thương hiệu là 306 triệu USD, Petro Gas là 288 triệu USD. FPT, Vietinbank, Vinaphone có giá thương hiệu lần lượt là 239 triệu USD, 197 USD và 193 triệu USD. BIDV hay Vietcombank có giá thương hiệu thấp hơn nữa là 176 triệu USD và 157 triệu USD. Đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng là thương hiệu Bảo Việt chỉ được định giá 79 triệu USD…
Danh sách 50 thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam được Brand Finance áp dụng các phương pháp định giá dựa trên các tiêu chí về khả năng làm tăng thêm giá trị sản phẩm của một thương hiệu; mức độ ảnh hưởng của thương hiệu đối với quyết định mua của khách hàng; chi phí để xây dựng thương hiệu thành công; giá trị mua bán trên thị trường chứng khoán; và khả năng tạo ra lợi nhuận của thương hiệu.
Như vậy, xét về giá trị thương hiệu, theo Brand Finance, giá trị 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam mới bằng nửa giá trị 1 thương hiệu của Malaysia. Một thương hiệu như Petronas của Malaysia đã có giá gần gấp đôi con số này, tức gần 10 tỷ USD.
Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu nằm trong các yếu tố vô hình của các công ty. Tuy nhiên tại Việt Nam, phần yếu tố này mới chỉ đóng góp 38% trong tổng giá trị một doanh nghiệp Việt Nam, trong khi tỉ lệ này trung bình trên thế giới là 53%.
Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam thấp. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với các thương hiệu toàn cầu. Khi thương hiệu toàn cầu vào Việt Nam, việc giữ miếng bánh thị phần của doanh nghiệp Việt sẽ khó khăn hơn nhiều.
Tại diễn đàn “Các vấn đề thương hiệu Việt Nam: Thương hiệu dẫn đầu” tổ chức mới đây, các chuyên gia hàng đầu về xây dựng thương hiệu như ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc chiến lược thương hiệu Richard Moore Associates hay ông Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc PhinDeli đều cho rằng, các doanh nghiệp nội địa cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu – tài sản vô hình quan trọng nhất để tạo ra những giá trị lớn cho bản thân doanh nghiệp đó, cũng như cho các bên liên quan như nhà đầu tư, đối tác, khách hàng hay công chúng nói chung.
“Thương hiệu nếu không có sự đồng thuận và hiểu biết từ phía lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp sẽ không thể triển khai được đến nơi đến chốn. Việc quản trị thương hiệu và marketing cần được chính một thành viên của ban lãnh đạo đứng đầu. Lãnh đạo có thể không biết sâu về chuyên môn nhưng họ bắt buộc phải thấu hiểu được tầm quan trọng để có hành động phù hợp” - ông Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.
Thực tế, theo các chuyên gia nước ngoài, khả năng quản trị thương hiệu kém của các doanh nghiệp Việt nam cũng là một trong những trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp không tận dụng được những lợi thế mà tài sản thương hiệu của họ có thể mang lại.