5 sự kiện kinh tế khiến 2015 trở thành một năm đáng nhớ
2015 trôi qua với nhiều biến động trong lĩnh vực kinh tế, cùng nhìn lại các sự kiện đáng chú ý khiến năm này trở thành một năm khó quên.
Hiệp định TPP được ký kết
TPP được ký kết là một sự kiện đáng chú trong năm 2015.
Sau 5 năm đàm phán tính từ năm 2010, Hiệp định thương mại tự do lịch sử TPP đã đi đến hồi kết thúc với việc công bố kết quả và ký kết hiệp định. Đây là một trong những tin tức đáng mừng trong năm 2015, đặc biệt là đối với Việt Nam.
Theo ông Neumann – chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC, TPP có thể thúc đẩy tổng sản lượng kinh tế (GDP) của Việt Nam tăng thêm 13% vào năm 2025 và con số này của Malaysia là 6%.
Mục tiêu của TPP theo các bên thống nhất đó là tăng cường hợp tác và đầu tư giữa các nước thành viên, khuyến khích sáng tạo đổi mới, phát triển kinh tế cũng như tạo và duy trì công ăn việc làm. Đây được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Hiệp định được đàm phán từ tháng 3/2010 gồm 12 quốc gia. Các vấn đề được nêu ra bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Và điều đặc biệt hơn, nhiều người cho rằng, TPP là để ngăn sự trỗi dậy của "con rồng" Trung Hoa.
Luật nhà ở được sửa đổi
Sau một thời gian dài chờ đợi, Nghị định hướng dẫn Luật nhà ở sửa đổi đã chính thức ban hành và có hiệu lực từ ngày 10/12/2015. Theo đó, nghị định hướng dẫn Luật nhà ở sửa đổi yêu cầu người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ của một tòa chung cư. Trường hợp trên một địa bàn tương đương cấp phường có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.
Về thời hạn sở hữu, sau khi hết thời hạn 50 năm theo luật nhà ở cá nhân nước ngoài có thể làm thủ tục gia hạn thời gian sở hữu một lần nhưng cũng không được quá 50 năm.
Đây được coi là cơ hội mở cánh cửa để người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài và người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trước đó, người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thường gặp nhiều rắc rối khi phải nhờ người Việt Nam đứng tên bất động sản, Việt kiều muốn sở hữu bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Năm 2015 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Nếu việc tái cơ cấu đối với những ngân hàng quy mô nhỏ được xem là khá thuận buồm xuôi gió thì quá trình tái cơ cấu đối với những ngân hàng quy mô lớn lại khiến NHNN lúng túng. Điển hình, trường hợp tái cơ cấu đối với Sacombank và Southern Bank, kiểm soát đặc biệt đối với DongA Bank hay như việc giải quyết “mớ lộn xộn” từ phía Eximbank cũng khiến NHNN bao phen “đau đầu”.
Trung Quốc phá giá đồng NDT
Cuối năm 2015, Trung Quốc khiến nhiều nước gần như “lao đao” khi liên tiếp điều chỉnh giá đồng NDT.
Ngày 11/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gây sốc toàn thế giới khi phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% so với đồng USD để kích thích nền kinh tế. Sau đó, trong một khoản thời gian ngắn, đồng NDT lại tiếp tục được điều chỉnh. Để thích ứng kịp thời, NHNN Việt Nam cũng đã ban hành các hướng dẫn điều chỉnh tỷ giá.
Mới đây nhất, ngày 5/1 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục công bố điều chỉnh mệnh giá đồng NDT một lần nữa. Việc này khiến cho mệnh giá ngoại tệ của đồng tiền Trung Quốc tiếp tục xuống thấp.
Đồng NDT được đưa vào rổ tiền quốc tế
Đồng NDT sẽ có mặt trong rổ tiền tệ dự trữ quốc tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế (SDR). Quyết định này có hiệu lực từ tháng 10/2016. Động thái của IMF phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là minh chứng cho các nỗ lực của Trung Quốc trong nhiều năm qua nhằm mở cửa thị trường vốn, đáp ứng các tiêu chí quốc tế về tài chính và thúc đẩy vai trò của thị trường trong việc quyết định giá trị của đồng NDT. Như vậy, ngoài các đồng USD, euro, bảng Anh, yen Nhật, rổ tiền tệ dự trữ quốc tế đã có thêm NDT.