5 CEO dở nhất năm 2012
Báo Business Week vừa giới thiệu một danh sách những CEO tệ nhất năm 2012. Họ là những người đã từng điều hành các tên tuổi nổi tiếng như Best Buy, Avon...
Brian Dunn
CEO hãng bán lẻ Best Buy
Brian Dunn mất chức CEO của Best Buy vào tháng 4 năm nay sau khi nổi lên những nghi vấn về việc ông “léng phéng” với một nữ nhân viên cấp dưới xinh đẹp mới 29 tuổi, chưa bằng một nửa tuổi ông.
Ngoài ra, Dunn còn thể hiện năng lực điều hành kém cỏi, thể hiện qua doanh thu sụt giảm, thị phần co cụm, giá cổ phiếu lao dốc… Chưa kể, chiến lược mua lại cổ phiếu mà Dunn quyết tâm theo đuổi còn khiến Best Buy tốn mất 6,4 tỷ USD mà chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì.
Aubrey McClendon
CEO hãng năng lượng Chesapeake Energy
Aubrey McClendon nằm trong số những CEO tệ nhất năm bởi ông không chịu tách bạch chuyện công với chuyện tư. Hãng tin Reuters cho biết, McClendon đã dùng cổ phần của mình trong công ty để thế chấp đi vay số tiền lên tới 1,1 tỷ USD trong gần 3 năm và hoàn toàn giấu nhẹm việc làm này.
Chưa kể, ông còn điều hành một quỹ đầu cơ dầu khí 200 triệu USD, một việc làm bị đánh giá là “xung đột lợi ích” với công ty mà ông đang điều hành.
Ngoài ra, McClendon còn “vô tư” xài máy báy riêng của công ty và huy động nhân viên trong công ty vào những mục đích cá nhân.
Andrea Jung
CEO hãng mỹ phẩm Avon
Bà Andrea Jung đã từ chức CEO Avon vào tháng 4 năm nay, nhưng hiện vẫn duy trì cương vị Chủ tịch của hãng mỹ phẩm có trụ sở tại New York này.
Trong thời gian điều hành Avon, bà Jung đã không thể giải quyết được những khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không tìm ra được một nhân vật kế nhiệm. Tuy nhiên, bà bị chỉ trích nhiều nhất khi từ chối đề xuất mua lại công ty với giá 10,7 tỷ USD từ đối thủ Coty. Nếu Jung chấp nhận đề xuất này, rất có thể Avon đã khá hơn.
Từ năm 2004 tới nay, dưới sự chèo lái của Jung, giá trị vốn hóa thị trường của Avon đã “bốc hơi” 21 tỷ USD còn 6 tỷ USD. Avon cũng đã phải chi 300 triệu USD chi phí pháp lý liên quan tới các cuộc điều tra về hành vi đưa hối lộ cho quan chức nước ngoài. Mới đây, Avon tuyên bố kế hoạch cắt giảm 1.500 nhân viên và rút lui hoàn toàn khỏi hai thị trường Việt Nam và Hàn Quốc.
Mark Pincus
CEO hãng sản xuất trò chơi Zynga
Zynga là công ty chuyên sản xuất các trò chơi cho mạng xã hội như Facebook. Năm nay, công này này đã chứng giá cổ phiếu của Zynga sụt 75% và nhân tài lần lượt bỏ ra đi. CEO Pincus có bằng cấp rất ổn, với bằng cử nhân kinh tế Đại học Wharton và bằng quản trị kinh doanh của Đại học Havard. Tuy nhiên, trong năm nay, Pincus đã vấp phải những sai lầm lớn, trong đó có việc đưa Zynga gắn bó quá mức với Facebook, khiến một phần lớn doanh thu của Zynga phụ thuộc vào mạng này. Mới đây, Facebook và Zynga đã chấm dứt hợp đồng ràng buộc hai bên.
Ngoài ra, một sai lầm lớn nữa của Pincus là đã thể hiện sự mất niềm tin vào triển vọng của công ty khi bán ra 16 triệu cổ phiếu sau khi thời gian hạn chế kết thúc.
Rodrigo Rato
CEO ngân hàng Tây Ban Nha Bankia
Ông Rodrigo Rato đã thôi chức Giám đốc ngân hàng Bankia, một trong những ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha, vào tháng 7 năm nay. Rato nguyên là Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tây Ban Nha, đồng thời là cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, hiện ông đang bị điều tra vì hành vi gian lận, thao túng giá cả và biển thủ tài sản liên quan tới vụ sụp đổ của ngân hàng Bankia, buộc Chính phủ Tây Ban Nha phải giải cứu nhà băng này. Năm 2011, Bankia đạt lợi nhuận 309 triệu USD, nhưng sau khi Rato từ chức, ngân hàng này ngay lập tức báo lỗ 3 tỷ Euro.