42% doanh nghiệp “nội” không cần vốn NH

Trên thực tế, hơn 42% số doanh nghiệp chỉ dựa vào vốn tự có của mình để kinh doanh và không vay mượn của bất kỳ ai.

Đây là thông tin được TS.Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra ở bản tham luận “Khó khăn của doanh nghiệp: vấn đề và giải pháp” tại Diễn đàn kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Vũng Tàu trong hai ngày 28 và 29/9/2012.

Trong khi không ít ý kiến cho rằng, dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp “chết” quá nhanh trong thời gian qua thì đây quả là con số đáng lưu ý.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh rằng, tiếp cận vốn đang là rào cản phổ biến, được nhắc đến hàng ngày trong suốt mấy năm qua. Và, trong số 58% số doanh nghiệp có vay vốn từ người khác, thì hơn 58% trong số họ có vay vốn từ ngân hàng thương mại nhà nước, gần 30% có vay vốn từ ngân hàng thương mại cổ phần, gần 39% có vay vốn từ bạn bè, người thân và 5,5% có vay vốn từ các ngân hàng FDI.

Gần 40% số doanh nghiệp gặp phải rào cản đầu tiên và lớn nhất là lãi suất cao, 28,5% vướng thủ tục phiền hà, gần 19% không có thế chấp, gần 10% phải trả thêm phụ phí và khoảng 7% không có vốn đối ứng, các con số tiếp tục được nêu cụ thể.

Riêng lãi suất tín dụng, kết quả điều tra của tổng cục thống kê được ông Cung dẫn lại với 78,5% số doanh nghiệp đã phải trả mức lãi suất từ 16% trở lên, hơn một nửa số doanh nghiệp phải trả mức lãi suất từ 18% trở lên. Tuy vậy, theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, số tín dụng mà doanh nghiệp vay và trả mức lãi suất trên 15%/năm đã liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, và đến ngày 20/8/2012 đã xuống mức còn 29%.

Dù vậy "các doanh nghiệp vẫn cho rằng trên thực tế, chi phí mà họ phải thanh toán để vay vốn là cao hơn và khả năng tiếp cận vốn trên thực tế chưa được cải thiện”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đặt trong sự liên quan với thông tin tiếp theo của bản tham luận, có thể thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm lợi thế khi có đến 62% không có nhu cầu vay vốn. Điều này cũng đồng nghĩa rằng phần lớn các doanh nghiệp FDI không bị ảnh hưởng bởi lãi suất và chi phí vay vốn cao.

Bản tham luận cũng cho biết tỷ lệ số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do lãi suất cao gần gấp đôi so với doanh nghiệp FDI. Và, điều đáng lưu ý là thủ tục phiền hà, phức tạp gây khó khăn cho 30,5% số doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong khi đó, con số này đối với doanh nghiệp nhà nước là hơn hơn 19% và doanh nghiệp FDI là khoảng 17%.

Cũng nhìn sức khỏe của doanh nghiệp từ cơ cấu vốn, ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, ở tham luận tại hội thảo về kinh tế vĩ mô mới đây đã nhấn mạnh một đặc điểm đáng chú ý là dư nợ tín dụng của Việt Nam tập trung nhiều vào khu vực doanh nghiệp. Tại thời điểm cuối tháng 4/2012, nợ vay các tổ chức tín dụng của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam (không kể dự nợ tín dụng cho nông nghiệp, cá nhân và hộ gia đình) là 2021 tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng dư nợ cho nền kinh tế. Mức nợ vay doanh nghiệp này cũng bằng 79,5% GDP năm 2011.

Theo ông Thành, đây là mức vay nợ tương đối cao, nhưng nếu theo chuẩn quốc tế thì chưa phải là nguy hiểm. Ngưỡng nguy hiểm của nợ doanh nghiệp theo OECD là 90%. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp Việt Nam có vốn chủ sở hữu thấp thì mức nợ vay hiện tại cũng đã là một gánh nặng lớn trên bảng cân đối kế toán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Sa (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN