400 tấn vàng “chôn” trong dân

Theo các chuyên gia và doanh nhân, lượng vàng trị giá 22 tỉ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay, sẽ nằm im trong dân nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn "nhìn một vấn đề lớn liên quan đến dân một cách quá đơn giản".

Tại hội thảo “Làm thế nào để huy động vốn vàng trong dân?” do Hiệp hội Kinh doanh vàng VN tổ chức ngày 4/10, nhiều chuyên gia đề xuất các biện pháp huy động nguồn vốn vàng tương đương 22 tỉ USD trong dân hiện nay, sau khi các ngân hàng (NH) không còn được phép huy động vàng.

400 tấn vàng “chôn” trong dân - 1

Mua bán vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chiều 4/10 - Ảnh: Thanh Đạm

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị xem xét lại nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm tránh tạo những căng thẳng không cần thiết lên thị trường.

“Vàng là ngoại tệ”

Xếp hàng bán vàng

Ngay đầu giờ chiều 4/10, giá vàng trong nước đạt mức cao nhất với 48,101 triệu đồng/lượng (cuối giờ chiều là 48,12 triệu đồng/lượng), chênh lệch hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (1.790 USD/ounce, tương ứng 45,1 triệu đồng/lượng), khách hàng đến bán đông nghịt tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội). Tại cửa hàng của Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, khách đứng xếp thành hai hàng dài chờ bán vàng.

Chị Nga (Q.Hai Bà Trưng) cho biết giá vàng đạt 48 triệu đồng/lượng là quá cao rồi, không biết giá có còn tăng thêm bao nhiêu nên bán ra để chốt lãi. Một nhân viên cửa hàng thuộc Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý cho biết khách đến bán đông nhất so với một tuần trở lại đây.

L.Thanh

Chuyên gia kinh tế Đặng Đức Thành đặt vấn đề: “Bà xã tôi tích cóp được vài chục lượng vàng, để ở nhà thì sợ, muốn gửi vào NH cho yên tâm nhưng sau ngày 25/11 NH lại không còn huy động vàng.

Do vậy, NH Nhà nước phải làm sao tạo kênh để huy động nguồn vốn vàng này từ trong dân. Đừng sợ hãi để rồi không dám huy động vàng...”. Từng góp ý cho nghị định 24 từ khi còn dự thảo nhưng không được ghi nhận, ông Trần Du Lịch, phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết ủng hộ việc chống vàng hóa nhưng cơ quan quản lý phải thừa nhận thói quen cất giữ tài sản bằng vàng của người VN.

Một khi đã thừa nhận thói quen này thì không thể để vàng biến thành tài sản chết. “Phải chăng vẫn cho NH huy động bằng vàng nhưng không cho vay ra mà NH trung ương chiết khấu vàng bằng lãi suất tái chiết khấu công bố trước, để từ đó các NH tự ấn định lãi suất huy động vàng” - ông Lịch đặt vấn đề.

Ngoài ra, ông Trần Du Lịch đề nghị cơ quan quản lý nên xem xét và sửa đổi một số nội dung của nghị định 24 trước khi quá muộn. “NH Nhà nước đã nhìn một vấn đề lớn liên quan đến người dân một cách quá đơn giản. Vàng không phải là hàng hóa thông thường mà là ngoại tệ. Đừng bao giờ quên” - ông Lịch nói.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cũng khẳng định ủng hộ việc thu hẹp thị trường vàng, đưa vàng về đúng vị trí nhưng phải tôn trọng tập quán giữ vàng của người dân. “Sau ngày 25/11, NH không huy động vàng, các tiệm vàng cũng không được phép bán vàng. Người nắm giữ vàng đang hoang mang vì không có chỗ gửi, mà để ở nhà thì lo mất. Chưa kể rủi ro do mua vàng không đúng chất lượng, không có thương hiệu...” - ông Long nói. Ông Long đề xuất cơ quan quản lý nên sử dụng giải pháp thị trường cho những vấn đề thị trường, đồng thời lắng nghe ý kiến các chuyên gia, người dân.

Phát hành chứng chỉ vàng?

Theo TS Nguyễn Thế Hùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGC), số liệu thống kê từ các NH Thụy Sĩ (nguồn cung cấp vàng chủ yếu cho thị trường VN) cho thấy tổng lượng vàng nhập về VN từ năm 1990-2011 khoảng 500 tấn, chưa kể số lượng từ Úc, Hong Kong và qua đường tiểu ngạch. Số vàng nhập về chủ yếu được gia công thành vàng miếng SJC và các thương hiệu khác, ước khoảng 12 triệu lượng, trừ đi số vàng đã xuất khẩu thì VN hiện còn khoảng 400 tấn vàng đang nằm trong dân.

400 tấn vàng “chôn” trong dân - 2

Người dân đem vàng đi bán chốt lời tại một cửa hàng ở Hà Nội  - Ảnh: Lê Thanh

Theo ông Hùng, nếu lấy giá vàng bình quân của thế giới là 1.700 USD/ounce (gần 0,82 lượng) thì số vàng trong dân tương đương 22 tỉ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay. “Nếu huy động chỉ được một nửa số vàng trong dân thì ít nhất chúng ta cũng có 10 tỉ USD đưa vào nền kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, NH Nhà nước nên phát hành chứng chỉ huy động vốn vàng của người dân, đồng thời ủy quyền cho các NH thực hiện vai trò đại lý phát hành chứng chỉ” - ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, thành viên hội đồng quản trị Công ty PNJ, đề xuất NH Nhà nước nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng, trong đó một loại được bảo chứng bằng vàng phục vụ người dân có nhu cầu tích trữ tài sản bằng vàng. Theo đó, người dân sẽ mang vàng vật chất đổi thành chứng chỉ vàng, khi có nhu cầu có thể rút hoặc bán đều được. Loại thứ hai là chứng chỉ mua bằng tiền và được giao dịch trên sở giao dịch vàng. Như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu của bộ phận nhà đầu tư, lại an toàn, không tốn chi phí, không sợ mua nhầm vàng nhái, thiếu tuổi.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Long, cùng với việc công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp, nên cho phép người dân tự do lựa chọn gửi hoặc giữ vàng. Bởi ngoài mục tiêu kiểm soát, việc quản lý vàng còn phải đạt được yêu cầu khơi thông dòng chảy cung ứng vàng và bổ sung nguồn vàng khi cần thiết. Chuyên gia Lương Văn Tự cũng cho rằng nếu NH Nhà nước có chính sách chắc chắn, người dân sẽ gửi và NH sẽ có nguồn để giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên, muốn huy động vốn vàng của dân phải đảm bảo ba yếu tố: gửi phải có lời, thuận lợi khi gửi hoặc rút.

Bán vàng miếng lẻ bị trừ tiền kiểm định

Những ngày gần đây tại TP.HCM có hiện tượng người dân đổ xô bán các miếng vàng SJC nhỏ lẻ loại 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ. Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh sỉ Công ty SJC, cho biết mỗi ngày công ty mua đến hàng ngàn lượng trong khi trước đây rất khan hiếm loại vàng miếng này. Do lượng vàng nhỏ lẻ bán ra nhiều, người bán đã bị các đơn vị mua “bắt chẹt” bằng cách trừ 300.000 đồng/lượng tiền... kiểm định, với lý do các miếng vàng loại này chưa được ép bao chống giả.

Chị Phụng (Q.3) cho biết chị bán vàng SJC cho chính tiệm vàng mà chị đã mua nhưng vẫn bị trừ tiền kiểm định. Theo các tiệm vàng, họ cũng không muốn mua những miếng vàng nhỏ lẻ vì sợ nhầm vàng nhái thương hiệu SJC không đủ tuổi, đặc biệt là loại miếng vàng 2 chỉ. Mặt khác, do nhu cầu bán cao, hiện Công ty SJC duy trì giá mua vào thấp hơn giá mua của thị trường trên 200.000 đồng/lượng nên các tiệm vàng phải “trừ hao” nhằm tránh bị lỗ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ánh Hồng (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN