4 mùa chỉ bán 1 thứ nhưng vẫn kiếm được 1.800 tỷ/năm vì lý do này
Đã vậy, cửa hàng này còn không bán cho khách nếu đặt mua ít nhất…10 sản phẩm.
Cửa hàng Tamagoya ở Nhật Bản được biết đến là một doanh nghiệp chuyên bán cơm hộp giao tận nhà. Tamagoya có quy mô nhân viên chỉ 700 người, quanh năm chỉ kinh doanh đúng một mặt hàng là cơm hộp nhưng doanh thu hằng năm của họ có thể đạt tới 9 tỷ JPY (hơn 1.800 tỷ VND). Tính trung bình mỗi ngày, họ bán ra 130.000 hộp bento (cơm hộp kiểu Nhật).
Tamagoya thành lập từ năm 1965 và duy trì bền bỉ suốt hơn 5 thập kỷ qua. Vậy đâu là nguyên nhân khiến doanh nghiệp “một màu” này có mức doanh thu khủng như vậy? Đó là nhờ những nguyên tắc “vàng” sau:
Tư duy bán lẻ: chỉ cung cấp một lựa chọn duy nhất cho thực đơn mỗi ngày
Nguyên tắc này giúp Tamagoya có thể mua nguyên liệu số lượng lớn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Do mỗi ngày chỉ cung cấp một lựa chọn duy nhất nên tỷ lệ thức ăn thừa chỉ là 0,1%, thấp hơn hẳn mức trung bình 2% trong ngành. So với các hãng bento khác, giá một hộp cơm Tamagoya rẻ hơn từ 20-30 JPY, chỉ có 430 JPY (89.000 VND).
Tư duy mua theo nhóm: bán cho các công ty
Khách hàng của Tamagoya hầu hết là các công ty lớn nhỏ tại Nhật Bản. Thực khách có thể gọi đặt hàng qua điện thoại hoặc qua mạng với số lượng ít nhất… 10 hộp. Quy mô đơn hàng ngày cằng tăng đồng nghĩa với giá thành sản xuất một hộp cơm càng rẻ. Nhờ vậy, Tamagoya có khả năng cạnh tranh rất lớn về giá vốn.
Tư duy quy mô hóa: quy mô giúp giảm giá vốn
Tamagoya sở hữu hệ thống nấu tự động, có thể cung cấp 15.000 suất cơm chỉ trong vòng 1 tiếng. Tại Nhật Bản, phần cơm và thức ăn trong bento được chia riêng. Do đó, “thực đơn duy nhất” sẽ giúp nâng cao hiệu suất chế biến thành phẩm ít nhất 30%, nhiệt độ thức ăn cũng có tính ổn định cao. Ngược lại, nếu thực đơn có tới 10 lựa chọn thì hiệu suất xử lý tập trung sẽ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, việc bán cho khách hàng theo nhóm cũng là một quy mô kinh doanh hiệu quả của Tamagoya. Quy mô đơn hàng lớn giúp giảm giá thành sản xuất mà vẫn giữ được chất lượng bento. Mô hình này giúp Tamagoya không phải cắt giảm chất lượng sản phẩm hay giảm lương nhân viên mà vẫn đảm bảo sức cạnh tranh cao về giá vốn.
Kiểm soát giá vốn nghiêm ngặt, chỉ thu 5% lợi nhuận
Mỗi hộp cơm của Tamagoya có giá 450 JPY, trong đó 50% chi cho nguyên liệu, 45% cho nhân công thiết bị và các chi phí khác, chỉ có 5% là lợi nhuận.
Yêu cầu hiệu suất chính xác, kiểm soát tỷ lệ lãng phí ở mức 0,1%
Khách hàng sẽ đặt trước cơm hộp Tamagoya từ 9-10 giờ sáng hằng ngày. Sau thời điểm này, các nhân viên Tamagoya mới biết số lượng bento chính xác cần sản xuất. Tuy nhiên, nguyên liệu lại phải chuẩn bị trước 1 ngày. Công đoạn chế biến sẽ được thực hiện ngay sau khi có đơn hàng. Ngoài ra, Tamagoya còn lập bảng làm việc “quy mô hóa” thông qua việc phân tích, điều tra dữ liệu khách hàng lâu năm, giúp đảm bảo số lượng cơm hộp và giảm thiểu lãng phí.
Tại Tamagoya, xe đưa hàng sẽ chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 sẽ chở số hàng nhiều hơn dự tính và xuất phát trước, sau khi đưa hàng xong sẽ cùng nhóm 2 tiếp tục lên đường, đồng thời bổ sung hàng cho những khu vực đang thiếu. Nhờ vậy, tỷ lệ lãng phí thực phẩm ở Tamagoya chỉ ở mức 0,1%.
Thu hồi vỏ hộp, thúc đẩy khách hàng quay lại lần nữa
Với Tamagoya, việc thu hồi vỏ hộp có 2 mục đích. Một là giảm giá thành sản xuất và giúp khách hàng không phải phân loại rác (tại Nhật Bản, phân loại rác khá phức tạp và có nhiều quy định nghiêm ngặt). Thứ hai là để tìm hiểu “khách bỏ thừa những món gì”. Nhân viên Tamagoya sẽ ghi chép lại những món bị bỏ thừa và phản hồi lại cho tổng bộ. Việc làm này vừa giúp cải thiện thực đơn, vừa tạo cơ hội cho nhân viên gặp gỡ khách hàng, tạo mối liên kết và thúc đẩy khách hàng quay lại lần nữa.
Vào ngày khai trương, khách sạn này còn tổ chức màn bắn pháo hoa hoành tráng gấp 7 lần Olympic Bắc Kinh.