3 kiến nghị ngành bất động sản gửi Thủ tướng
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thẳng thắn nêu nhiều kiến nghị sửa đổi quy định mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật Nhà tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Tham dự buổi gặp gỡ hơn 300 doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ tại TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để phát triển thị trường nhà đất trong tương lai.
Đại diện cho Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu kiến nghị ba vấn đề chính.
Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như là một sắc thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở.
Trong đề xuất của UBND TP.HCM tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 8-11-2013 đã trình Chính phủ có nêu: Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.
Trong trường hợp đề xuất trên đây chưa được chấp thuận, hiệp hội kiến nghị cho chủ đầu tư được khấu trừ chi phí thực tế giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất
Ông Lê Hoàng Châu, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
Thứ hai, về sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN, HoREA đề nghị NHNN thận trọng khi xem xét sửa đổi khoản 5 Điều 17, cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn với tỉ lệ tối đa 50% và đề nghị vẫn xếp các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như hiện nay.
Mục đích là để các bên có liên quan chủ động điều chỉnh hoạt động của mình, không gây sốc cho thị trường. Quy định này cần lùi thời điểm có hiệu lực sang năm 2017.
Thứ ba, để tạo sự công bằng giữa DN bất động sản với các DN kinh doanh các ngành nghề khác, HoREA kiến nghị Nhà nước chấp thuận cho các DN BĐS được phép lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản và ngược lại.
Theo tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Hơn nữa, trong cùng một DN thì các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được đầu tư từ nguồn vốn của DN, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên.
Cần cho phép tất cả DN, trong đó có DN bất động sản được hạch toán bù trừ giữa các hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhau phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết.